Nữ nghệ sĩ nhạc pop người Mỹ, Taylor Swift, đã dành thời gian gần một năm qua để thực hiện tour lưu diễn toàn cầu “The Eras Tour” vô cùng thành công của mình. Hiệu quả kinh tế từ tour diễn đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, thậm chí là cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho đến Phố Wall.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới từ ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, tour lưu diễn của Taylor Swift mặc dù chắc chắn đã giúp ích cho nhiều nền kinh tế địa phương nhưng họ cũng đặt câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của nó đối với dữ liệu quốc gia.
Chiến lược gia kinh tế toàn cầu Si Ying Toh của Nomura đưa ra lưu ý: “Việc thúc đẩy tiêu dùng từ tour diễn The Eras Tour rõ ràng đã thu hút được giới phân tích kinh tế Mỹ, nhưng chúng tôi cho rằng tổng tác động kinh tế vĩ mô có lẽ đã bị cường điệu hóa”.
Đi sâu hơn vào phân tích toàn diện, Nomura ước tính, từ quý 1 đến quý 3/2023, tour diễn của Taylor Swift đã nâng doanh số bán lẻ danh nghĩa của Mỹ thêm 0,03% và tổng sản phẩm quốc nội thực tế, thước đo sản lượng kinh tế, thêm 0,02%. Theo tính toán của ngân hàng, trong cả năm 2023, The Eras Tour chiếm 0,5% mức tăng trưởng tiêu dùng danh nghĩa.
Mặc dù những điểm dữ liệu đó có thể được coi là cận biên, nhưng bà Si Ying Toh cho biết sự thúc đẩy kinh tế - mà một số người gọi là “Swift-lift” (tạm dịch là Swift-nâng) - là không thể phủ nhận đối với 20 thành phố của Mỹ mà Taylor Swift đã đến thăm.
Theo dữ liệu STR được bà Si Ying Toh trích dẫn, các thành phố điểm dừng trong The Eras Tour đã chứng kiến nhiều động lực tiêu dùng vào thời điểm mà nữ ca sĩ tổ chức concert. Nhìn cụ thể vào bang Chicago, dữ liệu cho thấy giá phòng khách sạn đã tăng 3,1 điểm phần trăm nhờ 3 concert của Taylor Swift ở đó. Thành phố đông dân thứ ba của Mỹ đã chứng kiến tỷ lệ lấp đầy tăng 8,1 điểm phần trăm và doanh thu khách sạn trên mỗi phòng sẵn có tăng 59% trong thời gian này.
Từ đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố Illinois đã tăng 0,5 điểm phần trăm từ chuyến thăm của nữ ca sĩ nói riêng. CPI là thước đo của một rổ hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để tính toán sự thay đổi chi phí theo thời gian.
Nhưng ngay cả những cải tiến cục bộ này vẫn ít có khả năng hiện thực hóa trong số liệu thống kê cấp quốc gia từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh hoặc Nhật Bản, bà Si Ying Toh nhận xét. Mặc dù vậy, bà Toh tin rằng những sự kiện này vẫn đáng được coi là chất xúc tác kinh tế tiềm năng ở các nước trên toàn cầu.
Theo bà, trên bình diện quốc tế, các nền kinh tế nhỏ hơn như Singapore và Thụy Điển có thể nhận được sự thúc đẩy ở quy mô lớn hơn.
“Những tác động ngoại sinh cũng đóng một vai trò quan trọng trong mô hình kinh tế, cho dù dưới dạng một sự kiện thời tiết khắc nghiệt, một đại dịch hay… một concert âm nhạc. Trong những năm gần đây, các chuyến lưu diễn hòa nhạc đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ trở thành hiện tượng xã hội mà còn có tiềm năng trở thành động lực quan trọng cho hoạt động kinh tế”, bà Si Ying Toh đánh giá.