UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, công văn đã nêu rõ các nội dung thẩm định về sự phù hợp của quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất, các vấn đề pháp lý và hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của dự án.
Cảng Cần Giờ được xây dựng tại cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ cạnh cửa sông Cái Mép - Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.
Dự án có tổng diện tích dự kiến là 571 ha và sẽ cần sử dụng 90 ha diện tích đất cù lao, rừng phòng hộ ven biển. Trong 90ha đất này có 83ha đất có rừng ngập mặn tự nhiên và 7ha không có rừng. Còn diện tích mặt nước mà dự án sẽ sử dụng là hơn 481 ha.
Toàn bộ khu vực đất rừng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ. Diện tích còn lại do Nhà nước quản lý, nhưng một số khu vực có người dân nuôi trồng thủy hải sản.
Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, UBND TP.HCM cho biết, dự án thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Theo quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu vực được triển khai hoạt động phát triển kinh tế, được thực hiện công trình có kết cấu, vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên và được cấp có thẩm quyền cho phép.
Trước đó, UBND TP.HCM vừa có tờ trình Thủ tướng xem xét tờ trình về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo UBND TP.HCM, vị trí xây dựng cảng Cần Giờ được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc.
Đồng thời, cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế. Sau khi hoàn thành, cảng có khả năng khai thác siêu tàu container, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà lan 8.000 tấn. Việc đầu tư cảng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có thể khai thác từ năm 2027, và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính.
Cảng Cần Giờ dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, người lao động làm việc tại cảng, đóng góp trực tiếp cho ngân sách khoảng 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm khi đầu tư hoàn chỉnh.