Phố Wall lình xình trong lúc chờ đợi dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đóng cửa gần như không thay đổi vào phiên 27/2 khi các nhà đầu tư chờ đợi các dữ liệu kinh tế có thể làm sáng tỏ thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Phố Wall lình xình trong lúc chờ đợi dữ liệu lạm phát

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 96,82 điểm (-0,25%) xuống 38.972,41 điểm, S&P 500 tăng 8,65 điểm (+0,17%) ở mức 5.078,18 điểm và Nasdaq Composite nhích 59,05 điểm (+0,37%) lên 16.035,30 điểm.

Phố Wall đã nhận được một số hỗ trợ muộn từ Apple, khi cổ phiếu này xóa đi mức giảm trước đó và đóng cửa tăng 0,81% nhờ tin tức từ Bloomberg News cho thấy nhà sản xuất iPhone đã hủy bỏ dự án ô tô điện của mình và chuyển một số nhân viên sang bộ phận trí tuệ nhân tạo.

Viking Therapeutics “phi mã” 121,02% sau khi loại thuốc thử nghiệm điều trị béo phì của công ty đã giúp bệnh nhân giảm cân một cách đáng kể ở một nghiên cứu ở giai đoạn giữa.

Ngược lại, Amgen, công ty cũng đang phát triển thuốc giảm cân, lại giảm 2,75%.

Cổ phiếu UnitedHealth lại trượt giảm ngay trước tiếng chuông đóng cửa, mất 2,27% do báo cáo từ Wall Street Journal đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty. Đây là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Dow Jones.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,21 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,71 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Khi mùa thu nhập doanh nghiệp đi đến kết thúc, các nhà đầu tư hướng sự tập trung trở lại vào dữ liệu kinh tế và xu hướng lãi suất của Mỹ. Phố Wall đã chứng kiến mức tăng mạnh trong nhiều tuần, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình về các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Với báo cáo việc làm mới nhất sẽ được công bố vào tuần tới, tâm điểm chú ý hiện nay được dồn vào chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 1, thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Nếu dữ liệu của PCE tương tự với xu hướng của chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất, điều đó có thể buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức hiện tại lâu hơn thị trường dự đoán.

Dữ liệu hôm 27/2 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã đi xuống trong tháng 2 sau khi tăng ba tháng liên tiếp và đơn đặt hàng đối với hàng hóa sản xuất lâu dài của Mỹ cũng giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 1.

Vào đầu tuần này, Chủ tịch Fed khu vực Kansas Jeffrey Schmid đã có bài phát biểu về chính sách, báo hiệu rằng ông vẫn tập trung vào mối đe dọa lạm phát cao và không vội cắt giảm lãi suất.

Đồng tình với quan điểm này, Thống đốc Fed Michelle Bowman sau đó cũng cho biết bà không có ý định vội vã cắt giảm lãi suất, do rủi ro lạm phát tăng cao có thể cản trở tiến độ hoặc thậm chí khiến áp lực giá tăng trở lại.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 6 là 59,1%, đã giảm so với dự đoán gần như chắc chắn vào cuối tháng 1.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào phiên 27/2 khi nhiều nguồn tin cho biết OPEC+ đang xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sang quý 2 để cung cấp thêm hỗ trợ cho giá.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,12 USD, tương đương 1,4%, lên 83,65 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng 1,29 USD, tương đương 1,7%, ở mức 78,87 USD/thùng.

Vào tháng 11/2023, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC+, đã đồng ý về việc cắt giảm tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên năm nay, dẫn đầu là Arab Saudi.

Mới đây, có hai nguồn tin tiết lộ với tờ Reuters rằng OPEC+ đang có ý định duy trì mức cắt giảm bổ sung cho đến cuối năm nay.

Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial cho biết: “Chúng ta sẽ thấy một số nguồn cung bị thắt chặt trong thời gian tới. OPEC đang tìm kiếm mức giá giữa 80 USD, có thể là khoảng 85 USD/thùng đối với dầu Brent. Nếu ở dưới mức đó, họ sẽ cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm”.

Xem thêm

Cổ phiếu chip AI gây áp lực lên Phố Wall

Cổ phiếu chip AI gây áp lực lên Phố Wall

Chứng khoán Mỹ đóng cửa thấp điểm hơn vào 20/2, với Nasdaq có mức giảm lớn nhất khi nhà sản xuất chip Nvidia gặp khó khăn trước thềm báo cáo thu nhập, trong khi đà tăng của Walmart phần nào bù đắp cho mức giảm của Dow Industrials…

Có thể bạn quan tâm

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều kết thúc phiên thứ Ba trong sắc xanh, với đà tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ lớn là động lực chính trong phiên giao dịch rút ngắn dịp Giáng sinh…

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

Việc xuất hiện lực cầu gia tăng khi chỉ số quay về vùng 1.250-1.260 điểm cho thấy đây là mốc hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ với kháng cự gần nhất là vùng 1.280 điểm...

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…