Phục hồi kinh tế yếu, Trung Quốc có thể phải cần nhiều chính sách kích thích hơn

Lạm phát ở Trung Quốc đã chậm lại vào tháng 3 do quá trình phục hồi kinh tế của nước này diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng…

Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 3 đạt tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9 năm 2021 do giá lương thực trì trệ. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường yếu trong bối cảnh phục hồi kinh tế tại quốc gia này diễn ra không đồng đều.

Trong khi đó, định giá tại cổng nhà máy đang tiến đến đợt sụt giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp. Sự phục hồi không vững chắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng thúc đẩy yêu cầu gia tăng các chính sách hỗ trợ thị trường từ chính phủ.

Phục hồi kinh tế yếu

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 3 tăng 0,7% so với một năm trước đó, giảm từ mức tăng 1% trong tháng 2, đạt tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9 năm 2021.

Nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind cho biết, động lực chính cho sự sụt giảm là lạm phát lương thực giảm do tăng trưởng CPI thấp hơn kỳ vọng. Chỉ số này được dự kiến sẽ tăng 1% trong tháng trước.

Trong đó, giá thực phẩm ở Trung Quốc đã tăng 2,4% so với năm trước vào tháng 3, so với mức tăng 2,6% trong tháng 2. Ngoài ra, giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng 0,3% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng trưởng 0,6% trong tháng 2.

Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng cơ bản của Trung Quốc, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 0,7% trong tháng 3 so với một năm trước đó, so với tháng trước 0,1%.

Phục hồi kinh tế yếu

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) phản ánh giá sản phẩm mà các nhà máy bán cho các nhà buôn tăng trưởng âm 2,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục đi xuống mức sụt 1,4% trong tháng 2.

Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital econom cho biết: “Giảm phát giá sản xuất đã sâu hơn vào tháng trước xuống mức thấp nhất trong 33 tháng và lạm phát giá tiêu dùng lần đầu tiên giảm xuống dưới 1% sau hơn một năm”.

Ông cho biết thêm rằng: “Các động lực chính là sự sụt giảm trong lạm phát thực phẩm và nhiên liệu. Mặc dù chúng tôi vẫn cho rằng sẽ có một số áp lực gia tăng đối với lạm phát khi thị trường lao động thắt chặt trở lại, nhưng chúng tôi cho rằng nó sẽ duy trì dưới mức trần khoảng 3% của chính phủ và mức tăng sẽ nhỏ hơn nhiều so với những gì đã thấy ở các nền kinh tế khác sau khi họ nới lỏng các hạn chế”.

Đồng thời, ông nhận định lạm phát giá tiêu dùng sẽ tăng trở lại trong những tháng tới do thị trường lao động thắt chặt trở lại và sẽ đạt đỉnh 2,3% vào đầu năm 2024.

Zhang Zhiwei, chủ tịch của Pinpoint Asset Management, cho biết sự phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng nhưng không đủ mạnh để đẩy giá lên cao: “Lạm phát CPI đã giảm xuống dưới 1%. PPI đã rơi vào tình trạng giảm phát. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn đang hoạt động dưới mức tiềm năng. Vẫn còn dư địa cho các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Với việc lạm phát giảm ở Trung Quốc và chu kỳ tăng lãi suất ở Mỹ sắp kết thúc, khả năng [Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc] cắt giảm lãi suất đang tăng lên”.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, vốn đã ghi nhận một trong những hoạt động tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ vào năm ngoái do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với Covid-19.

Thúc đẩy các biện pháp kích thích

Dữ liệu gần đây cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn không đồng đều trong tháng 3 với lĩnh vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ nhưng lĩnh vực sản xuất đang phát triển đang mất đà trong bối cảnh triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Ngân hàng trung ương của đất nước này đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng vào tháng 3 để hỗ trợ thị trường. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải đối mặt với những cơn gió ngược bao gồm xuất khẩu yếu và suy thoái bất động sản trong thời gian dài.

Giá tại cổng nhà máy giảm

Gần đây dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc tăng đột biến so với dự đoán ở mức 14,8%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng điều này chỉ phản ánh việc bắt kịp các đơn hàng tồn đọng trong thời gian đại dịch. Đồng thời, các cuộc khảo sát tại nhà máy cho thấy các đơn đặt hàng xuất khẩu giảm trong tháng 3.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc cần thử mọi phương pháp để ổn định xuất khẩu sang các nước phát triển, đồng thời cảnh báo rằng tác động của suy thoái toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước vẫn là mối quan tâm chính.

Các nhà phân tích tại công ty cổ phầm tài chính Nhật Bản Nomura cho biết: “Số liệu lạm phát giảm trong tháng 3 cho thấy đà phục hồi sau Covid vẫn còn yếu, khiến thị trường thất vọng. Chúng tôi hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách trong những tháng tới, vì chỉ số lạm phát CPI và PPI thấp có thể mang lại cho Bắc Kinh nhiều dư địa hơn để kích thích".

Việc lạm phát giảm ở Trung Quốc trái ngược với các nền kinh tế khác, bao gồm cả Mỹ, nơi giá cả cao liên tục đã thử thách chiến lược chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.

Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát tiêu dùng của Mỹ sẽ tăng nhẹ hơn trong tháng 3 so với tháng trước. Các nhà giao dịch đang đặt cược vào một đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 sau dữ liệu việc làm khả quan vào tuần trước.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho đến nay vẫn tỏ ra dè dặt trong việc cung cấp hỗ trợ. Thay vì cắt giảm lãi suất trong năm nay, ngân hàng trung ương đã hỗ trợ cho vay bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ.

Các biện pháp kích thích đang được triển khai dưới hình thức thúc đẩy cơ sở hạ tầng, với việc các tỉnh của Trung Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu cho các dự án xây dựng lớn lên gần 1/5 trong năm nay.

Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát yếu cho thấy ngân hàng trung ương có thể phải làm nhiều hơn để hỗ trợ sự phục hồi về mặt cắt giảm lãi suất chính sách.

Có thể bạn quan tâm