Phương pháp định giá đất lại làm nóng nghị trường

Sáng nay, ngày 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó, phương pháp định giá đất tiếp tục được thảo luận sôi nổi…
định giá đất
Phương pháp định giá đất vẫn rất nóng tại nghị trường

Liên quan đến phương pháp xác định giá đất, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, dự thảo Luật quy định càng nhiều phương pháp xác định giá đất thì càng khó áp dụng. Nếu áp dụng 4 phương pháp như dự thảo quy định cho cùng một thửa đất sẽ ra 4 kết quả khác nhau.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung quy định cụ thể hơn tại dự thảo về phương pháp xác định giá đất, nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến giúp tưởng minh hơn về vấn đề này.

Muốn xác định được giá đất tiệm cận giá thị trường thì cần phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất, thị trường đồng bộ, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định quy định rõ các nội dung liên quan đến thông tin đầu vào hơn nữa để xác định giá đất”, đại biểu tỉnh Hà Nam đề xuất.

Còn đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư.

Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất, mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

Do đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất, vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc xác định giá đất phải đảm bảo tính khách quan, công bằng; đồng thời cần xác định quy định thông tin qua điều tra, khảo sát thực tế để đảm bảo giá đất sát với thị trường. Ngoài ra, cần có quy định pháp lý, tính chỉ số khi giá đất cao hơn thị trường.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ hơn các nội dung về thông tin giá đất việc xác định giá đất khi chưa có thông tin dữ liệu quốc gia thì thực hiện thông qua điều tra, khảo sát.

Bởi vì trong thực tế, có rất ít trường hợp giá đất chuyển nhượng được ghi đúng thực tế so với giao dịch chuyển nhượng, quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực. Lý do là vì người mua hoặc người bán thường có xu hướng ghi thấp hơn giá trị thực tế gấp nhiều lần nhằm giảm các khoản thuế, phí theo quy định.

Có thể bạn quan tâm