Ủy quyền cấp huyện được quyết định giá đất: Cần không tư túi, cân đối giữa lợi ích công và tư

Thời gian qua, các vấn đề liên quan tới đất đai luôn là đề tài nóng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, trong đó có việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất.

Nghị quyết số 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/5/2023) và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013.

Nghị quyết 73 nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, kết luận số 14 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất.

Theo đó, UBND cấp huyện được quyết định giá đất trong các trường hợp để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

quyết định giá đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/5/2023) và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013.

Chỉ là thủ tục hành chính

Nói về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc cho cấp huyện định giá đất là thực hiện định giá đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân,.... Về nguyên tắc là tốt, vì hiện nay, Chính phủ muốn thực hiện sớm việc này, trong khi, Chính phủ đã dùng từ "uỷ quyền" thì cấp huyện cứ vậy thực thi. Theo GS. Đặng Hùng Võ nói chung đây chỉ là thủ tục hành chính để thực hiện mà thôi.

"Vấn đề quan trọng hơn chính là trình tự thủ tục định giá như thế nào để giá đó phù hợp với thị trường. Còn nếu giá không phù hợp với thị trường thì cấp nào thực hiện cũng vậy, đều không bảo vệ quyền lợi cho người dân, ảnh hưởng tới thị trường. Đây chính là vấn đề chúng ta cần quan tâm nhất trong Nghị quyết 73 này", GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Ngoài ra, GS. Võ cũng cho rằng, những vướng mắc hiện nay liên quan tới đất đai chúng ta đều nhìn thấy rất rõ, cấp tỉnh nhiều khi không dám quyết định giá đất, cán bộ "rụt lại" không dám thực hiện các quyết định thuộc thẩm quyền. Vậy có khi nào giao cho cấp huyện, cấp huyện lại làm nhanh hơn?

Chính phủ cũng đang có những động thái quyết liệt để xử lý tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm này, nhưng theo GS. Võ đó là chủ chương của Chính phủ trước tình hình hiện nay, nhưng vướng mắc của nó nhiều khi là vướng mắc trong việc hiểu, triển khai vận dụng về pháp luật, nên họ có lý do để không thực hiện theo thẩm quyền.

Hiện nay, Chính phủ đang sửa chuyện này. "Tôi mong rằng Nghị quyết số 73 sẽ được áp dụng một cách có hiệu quả trong tình hình hiện nay, để cấp huyện làm tốt vai trò của mình", GS. Võ nói.

quyết định giá đất
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc cho cấp huyện định giá đất chỉ là thủ tục hành chính để thực hiện. Quan trọng là cán bộ thực hiện như thế nào.

Còn theo một PGS. TS, giảng viên tại một trường luật cho biết, Chính phủ uỷ quyền rành mạch theo pháp luật thì cấp huyện căn cứ vào đó thực hiện, nhưng không tư túi, cân đối giữa lợi ích công và tư của người dân cho thật phù hợp với hoàn cảnh địa phương đúng thủ tục và minh chứng được thì Nghị quyết này sẽ luôn đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, vị giáo sư này cho rằng mô hình pháp luật “Chuyển đổi mục đích sử dụng đất để khai thác thương mại quyền sử dụng đất” ở nước ta hiện nay đang có rất nhiều lỗ hổng. Nên việc Chính phủ ủy quyền cho cấp huyện quyết định giá đất cũng sẽ chưa thể giải quyết triệt để. Muốn các vấn đề liên quan tới đất đai được thực hiện hiệu quả cần có một bộ luật thật hoàn chỉnh.

Cần có chế tài, xử lý khi có sai phạm

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Nghị quyết số 73/NQ-CP về uỷ quyền quyết định giá đất được xem là hợp lý. Tuy nhiên, theo chuyên gia Trí Hiếu, chính quyền địa phương nắm rõ giá cả đất đai và nhu cầu về đất đai, nhà ở của người dân tại địa phương mình, do đó có cơ sở để quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư.

Hay tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, Chính quyền Trung ương nên đưa ra một khung giá hợp lý cho từng địa phương để các chính quyền địa phương dựa vào đó để đưa ra những quyết định cho địa phương mình.

Thứ hai, liên quan đến thu hồi đất và bồi thường cho người dân phải thực hiện trên cơ sở giá thị trường và nguyên tắc công bằng. Chính quyền địa phương phải tránh mọi biện pháp bao gồm việc ép giá người dân, gây thiệt hại tài chính và vật chất cho người dân, tạo áp lực tâm lý gây lo sợ, hoang mang cho người dân.

quyết định giá đất
chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nếu không đấu giá, việc định giá đơn phương do chính quyền địa phương phải được sự đồng thuận của tối thiểu 65% người dân bị ảnh hưởng

Thứ ba, nếu tổ chức đấu giá, việc đấu giá phải công khai, minh bạch. Người dân tại địa phương phải được thông báo về việc đấu giá, địa điểm và thời điểm đấu giá, giá khởi điểm, ít nhất một tháng trước khi cuộc đấu giá được thực hiện.

Thứ tư, nếu không đấu giá, việc định giá đơn phương do chính quyền địa phương phải được sự đồng thuận của tối thiểu 65% người dân bị ảnh hưởng. Trong trường hợp không có sự đồng thuận của ít nhất 65% người dân bị ảnh hưởng, việc tranh chấp phải được đưa lên cấp hành chính cao hơn một cấp để quyết định.

Thứ năm, trong trường hợp tranh chấp không được giải quyết, cho phép người dân đệ đơn lên toả án cấp địa phương để khởi kiện.

Thứ sáu, Điều 2 của Nghị quyết nêu rõ “Uỷ ban nhân dân… hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã uỷ quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình uỷ quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân”.

Chuyên gia Trí Hiếu cho rằng đây là một khâu quan trọng trong việc uỷ quyền định giá đất cho chính quyền địa phương. Tham nhũng, lợi dụng chính sách của các nhóm lợi ích luôn là một vấn đề trong việc quản lý đất đai tại nhiều địa phương. Nghị quyết cần bổ sung những điều khoản liên quan đến các biện pháp chế tài, xử lý đối với các nhóm lợi ích lợi ích việc uỷ quyền này để trục lợi.

Ngày 19/5, tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Giải quyết tốt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tức là góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…