Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chịu tác động từ biến động địa chính trị, khủng hoảng chuỗi cung ứng và áp lực chuyển đổi năng lượng, Porsche vẫn ghi dấu ấn với thành tích kinh doanh đầy ấn tượng trong nửa đầu năm 2025.
Theo báo cáo mới nhất từ hãng, từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, Porsche đã giao tổng cộng 146.391 xe tới tay khách hàng trên toàn cầu. Mặc dù con số này giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về cơ cấu thị trường và danh mục sản phẩm, Porsche vẫn duy trì được sự vững vàng và linh hoạt trong chiến lược phát triển.
Xe điện hóa chiếm hơn 1/3 tổng doanh số
Một trong những điểm sáng lớn nhất của Porsche trong 6 tháng qua chính là sự tăng trưởng vượt bậc của các dòng xe điện hóa. Cụ thể, 36,1% tổng lượng xe bán ra là các mẫu xe sử dụng hệ truyền động điện hoặc hybrid sạc điện – tương ứng với mức tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe thuần điện chiếm 23,5% tổng doanh số, còn hybrid sạc điện đóng góp 12,6%.
Đặc biệt là Porsche Macan, mẫu SUV thể thao cỡ nhỏ, đã trở thành "quán quân doanh số" của Porsche với 45.137 xe được giao, tăng 15% so với nửa đầu năm 2024. Trong số đó, tới 25.884 xe là phiên bản thuần điện – chiếm gần 60% tổng doanh số của dòng xe này. Điều này cho thấy thị trường đang đón nhận tích cực chiến lược điện hóa của Porsche, đặc biệt là tại các khu vực ngoài châu Âu – nơi Macan chạy động cơ đốt trong vẫn còn hiện diện.
Ngoài Porsche Macan thì Porsche Panamera, mẫu sedan thể thao hạng sang, cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan lên tới 13%, với tổng cộng 14.975 xe được giao đến khách hàng.
Porsche Cayenne giảm sâu, Porsche 911 vẫn giữ phong độ
Ngoài Porsche Macan và Panamera, các dòng xe truyền thống khác của Porsche có kết quả kinh doanh khá phân hóa. Cụ thể, dòng SUV Porsche Cayenne vốn từng là mẫu xe chủ lực lâu năm chỉ đạt 41.873 xe, giảm 23% so với năm ngoái, một phần do doanh số quá cao trong nửa đầu 2024 nhờ hiệu ứng hậu facelift.
Trong khi đó, Porsche 911 đạt 25.608 xe, giảm nhẹ 9% do chu kỳ ra mắt phiên bản mới chia nhỏ theo từng giai đoạn. Dòng xe thể thao mui trần 718 Boxster và coupe 718 Cayman đạt doanh số 10.496 xe, giảm 12%, nguyên nhân chủ yếu do hạn chế về nguồn cung trước quy định an ninh mạng mới tại châu Âu. Dự kiến, việc sản xuất dòng Porsche 718 hiện tại sẽ kết thúc vào quý IV năm nay.
Mẫu xe thuần điện Porsche Taycan – từng là "át chủ bài" trong chiến lược điện hóa của Porsche – cũng ghi nhận mức giảm 6% với 8.302 xe được giao. Tuy nhiên, đây được xem là bước chuyển cần thiết trước khi Porsche ra mắt phiên bản nâng cấp hoặc biến thể hoàn toàn mới của Taycan trong tương lai gần.
Thị trường Bắc Mỹ và các khu vực đang phát triển lập kỷ lục
Bắc Mỹ tiếp tục chứng tỏ là thị trường trọng điểm của Porsche khi ghi nhận doanh số cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn nửa đầu năm, với 43.577 xe được giao, tăng 10% so với năm 2024. Thành công này phần lớn đến từ nguồn cung ổn định và chính sách giá giữ vững giá trị sản phẩm trong bối cảnh thuế nhập khẩu có xu hướng tăng.
Tương tự, các thị trường quốc tế và đang phát triển, bao gồm nhiều quốc gia ở châu Á, Mỹ Latin và Trung Đông, cũng lập kỷ lục mới với 30.158 xe được bán ra, tương ứng mức tăng 10%. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn toàn cầu của thương hiệu xe thể thao Đức.
Ngược lại, châu Âu (không bao gồm Đức) ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 8% với 35.381 xe, còn tại thị trường nội địa Đức, doanh số giảm 23% xuống còn 15.973 xe. Theo Porsche, mức nền cao của năm 2024 do dư âm tích cực từ năm 2023 là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự chững lại này.
Tại Trung Quốc, một thị trường quan trọng của Porsche, cũng chỉ có 21.302 xe được giao, giảm mạnh 28% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được xác định là do sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc xe sang và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dù vậy, Porsche vẫn giữ vững cam kết theo đuổi chiến lược tăng trưởng dựa trên giá trị sản phẩm thay vì chạy theo số lượng.