Ocean Group vẫn còn dư nợ vay, nợ phải trả hơn 500 tỷ đồng tại OceanBank
Lãi ròng 25 tỷ đồng, nhiều dự án không “nhúc nhích”
Ocean Group vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2018 với các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng đột biến. Tại thời điểm 31/3/2018, tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn đã sụt giảm hơn 415 tỷ đồng xuống còn 4.940 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm nay của OGC vẫn duy trì mức tăng “cầm hơi”, với doanh thu thuần chỉ đạt 214 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 85 tỷ đồng, giảm 5% so với quý 1/2017.
Đáng chú ý, trong quý 1, tập đoàn ghi nhận khoản thu nhập đột biến từ hoạt động tài chính là 46 tỷ đồng, tăng gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước. Đây là thu nhập lãi từ việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại công ty Chứng khoán Đại Dương (công ty con, hiện đổi tên thành Chứng khoán Everest). Khoản đầu tư này ghi nhận giá trị sổ sách là 429 tỷ đồng song tập đoàn đã phải trích lập dự phòng rủi ro tới 136,5 tỷ đồng.
Trong kỳ này, chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh chỉ còn 5,5 tỷ đồng so với con số 21,68 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí bán hàng vẫn duy trì quanh mức 20,9 tỷ đồng, thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh 85%, lên mức 77,5 tỷ đồng.
Do đó, quý 1/2018 Ocean Group ghi nhận lợi nhuận kế toán hợp nhất trước thuế là 25,85 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 25,1 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đến hết tháng 3/2018, lỗ luỹ kế các năm trước của Ocean Group vẫn còn ghi nhận gần 2.885 tỷ đồng, do đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn chỉ còn lại 863 tỷ đồng (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính, tập đoàn có lượng tiền mặt khoảng 262,7 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tới 167,9 tỷ đồng, song đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tới 36,3 tỷ đồng.
Các khoản phải thu khách hàng đến cuối kỳ là 1.311 tỷ đồng, nhưng số dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi vẫn tiếp tục tăng lên tới 3.436 tỷ đồng.
Hàng tồn kho duy trì ở mức 292,7 tỷ đồng và dự phòng giảm giá hàng tồn kho 4,8 tỷ đồng. Báo cáo cho thấy, chi phí xây dựng dở dang tại nhiều dự án, công trình của OGC ghi nhận 219 tỷ đồng, chỉ tăng thêm 4 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này cho thấy hoạt động triển khai các dự án như như Stacity Westlake Hà Nội, dự án Hạ Đình, dự án trồng rừng Lạng Sơn, dự án Licogi 19… vẫn không “nhúc nhích” sau cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 4 năm qua của tập đoàn này. Dù trước và sau khi ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT bị khởi tố, bắt giam, lãnh đạo OGC vẫn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội.
“Xoay” tiền trả nợ vay ngân hàng
Trong quý 1, quy mô nợ phải trả của Ocean Group đã giảm được hơn 434 tỷ đồng xuống còn 4.076 tỷ đồng, trong đó chiếm hơn 52% là nợ phải trả ngắn hạn, tương ứng khoảng 2.337 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản người mua trả tiền trước (299 tỷ đồng), thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (183 tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn, riêng khoảng phải trả ngắn hạn khác (978 tỷ đồng)…
Trong 3 tháng đầu năm, OGC đã giảm đáng kể quy mô vay nợ và nợ thuê tài chính xuống chỉ còn 982,6 tỷ đồng, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 3/2018, Ocean Group đang có vay nợ tại 3 ngân hàng với tổng dư nợ 982,6 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chỉ còn 152,28 tỷ đồng, gồm 49 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 103 tỷ đồng nợ trung dài hạn. Tại thời điểm 31/12/2017, OGC ghi nhận dư nợ tại NCB khoảng 445 tỷ đồng – là số nợ vay ngân hàng từ năm 2014, được bảo đảm bằng 32 triệu cổ phần OCH – của CTCP khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (công ty con của OGC). Tức tập đoàn đã trả được khoảng 292,4 tỷ đồng nợ cho ngân hàng.
Suốt 4 năm qua, ngân hàng NCB đã rất khổ sở thu hồi khoản nợ xấu 445 tỷ đồng này, chưa kể khoản nợ lãi phát sinh, lãi phạt quá hạn rất lớn.
Mặc dù đến tháng 4/2016, khoản nợ của OGC tại NCB đã thành nợ quá hạn, nợ xấu song ngân hàng vẫn không thể xử lý thu hồi nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo là 32 triệu cổ phiếu OCH. Bởi thị giá cổ phiếu OCH trên sàn đã rơi thẳng đứng “bốc hơi” 80% giá trị, hiện cũng chỉ còn giao dịch quanh mức 4.000-5.000 đồng/CP, gần như không có thanh khoản. Hồi tháng 8/2017, OGC đã đăng kí bán 32 triệu cổ phiếu OCH để lấy tiền trả nợ, song số lượng bán được không đáng kể do cổ phiếu này gần như không có thanh khoản.
Có thể thấy, khoản nợ xấu 445 tỷ đồng của OGC đã được Ngân hàng NCB “ưu ái” về tiến độ trả nợ, cũng không xử lý tài sản bảo đảm. Trên BCTC của NCB nhiều năm qua cũng không hề có thông tin nào đề cập tới khoản nợ quá hạn 445 tỷ đồng (nợ gốc) và số nợ lãi phát sinh chính xác là bao nhiêu, có hay không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu đúng quy định?
Hiện, chưa rõ OGC thu xếp được nguồn vốn ở đâu để trả nợ 290 tỷ đồng cho NCB, chưa kể khoản nợ phải trả hàng nghìn tỷ đồng cũng chưa rõ xoay sở ra sao?
Ngoài khoản nợ lớn nêu trên, OGC còn dư nợ tại hai ngân hàng là Maritime Bank (dư nợ 500 tỷ đồng và lãi vay 236,6 tỷ đồng), Ocean Bank (nợ vay 330 tỷ đồng và nợ phải trả 171 tỷ đồng). Số tiền trả nợ cho hai ngân hàng này trong quý 1 khá ít, nhưng do khoản nợ kéo dài nhiều năm, khiến cho “lãi mẹ đẻ lãi con” ngày càng gây áp lực nợ nần khó khăn hơn cho Ocean Group.
>> OGC chỉ bán được 1.100 cổ phiếu OCH, xoay tiền trả nợ NCB