Quý III, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội ước đạt hơn 92.000 tỷ đồng

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2021 trên địa bàn Hà Nội ước đạt 92,2 nghìn tỷ đồng.
Quý III, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội ước đạt hơn 92.000 tỷ đồng

Hoạt động thương mại, dịch vụ 9 tháng năm nay chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhất là trong quý III khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, không để xảy ra hiện tượng mua tích trữ hàng hóa, thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thành phố đã phải dừng tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tạm thời đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác truy vết do có liên quan đến các trường hợp F0, việc mở cửa trở lại chậm cũng ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ các tháng trong quý III giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III ước đạt 92,2 nghìn tỷ đồng, giảm 34% so với quý trước và giảm 40,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 25,6% và giảm 26,6%; khách sạn, nhà hàng giảm 46% và giảm 64,7%; du lịch lữ hành giảm 79,8% và giảm 90,2%; dịch vụ khác giảm 55,5% và giảm 63,4%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 380 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 8,5%; quý II tăng 4,4%; quý III giảm 40,1%), trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 269,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 70,8% tổng mức và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành giảm mạnh: Đá quý, kim loại quý giảm 27,7%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 23,8%; phương tiện đi lại trừ ô tô con giảm 17,8%; ô tô con giảm 15,8%; hàng may mặc và dụng cụ trang thiết bị gia đình giảm 7,9%.

Doanh thu khách sạn, nhà hàng 9 tháng năm nay đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng mức và giảm 24,9% (doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 52,6%; doanh thu ăn uống đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, giảm 21,9%) do lượng khách du lịch giảm và nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng giảm sút mạnh. Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng chỉ đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 55,4%. Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng năm nay đạt 80,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng mức và giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 45,6%; giáo dục giảm 32,8%; dịch vụ hành chính giảm 20,4%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm