Rầm rộ tổ chức lái thử, cơ hội nào cho BYD Auto tại Việt Nam?

Tiếp bước Beijing, Wuling, Haima hay Haval, hãng xe Trung Quốc BYD cũng sẽ mở bán tại thị trường Việt Nam thời gian tới…

img-f79041055825851a585332ce32dff463274329-9084.jpg

Thương hiệu xe Trung Quốc BYD sẽ chính thức mở bán các mẫu xe tại Việt Nam từ ngày 18/7 tới đây. Hãng xe này đang thu hút sự chú ý lớn khi rầm rộ tổ chức các buổi lái thử xe tại TP.HCM và Hà Nội. Động thái này như một phát súng mở màn cho cuộc đổ bộ của một trong những hãng xe số một xứ Trung vào thị trường Việt.

BYD Auto nổi lên như một đối thủ đáng gờm với các hãng xe truyền thống như Tesla. Vượt qua Tesla về doanh số bán ô tô điện toàn cầu vào cuối năm ngoái, BYD đang mở rộng dây chuyền lắp ráp tại nhiều quốc gia và ngày càng chứng minh khả năng thống trị thị trường ô tô điện toàn thế giới.

Thị trường Việt đã chứng kiến sự bùng nổ của kỷ nguyên ô tô điện với sự xuất hiện của vô vàn các hãng xe, nổi bật nhất là VinFast và các thương hiệu xe tới từ Trung Quốc. Việc BYD đổ bộ thị trường trong bối cảnh đi sau nhiều hãng khác đã khiến người dùng đặt câu hỏi xoay quanh việc liệu BYD sẽ thể hiện mình ra sao tại Việt Nam.

3 MẪU XE ĐÃ HỘI TỤ TẠI VIỆT NAM

Thương hiệu xe hơi hàng đầu của Trung Quốc, đã lựa chọn tháng 6 là thời điểm khởi đầu cho kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam. Ba mẫu xe điện của BYD gồm Dolphin, Seal và Atto đã xuất hiện tại thị trường Việt để phục vụ các sự kiện lái thử xe, nhằm kích thích sự quan tâm từ khách hàng trước ngày chính thức ra mắt trên thị trường.

Động thái này không chỉ hâm nóng không khí trong làng xe điện Việt mà còn thể hiện sự quyết tâm của BYD trong việc cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường mới.

Thông qua hai sự kiện lái thử tại TP.HCM và Hà Nội, BYD Auto mong muốn những công nghệ đột phá như khung gầm, bộ pin và hệ thống truyền động sẽ giúp người dùng Việt “mở lòng” hơn với hãng xe này.

x2-1085.jpg
BYD Seal tại Hà Nội

Nổi bật nhất trong bộ ba sản phẩm là BYD Seal, một trong những “con cưng” bán chạy nhất BYD trên toàn cầu, mẫu xe này được định vị nằm trong phân khúc sedan hạng D.

Mẫu Seal của nhà BYD có kích thước tổng thể là 4.800 x 1.875 x 1.460 mm, chiều dài cơ sở 2.920 mm và khoảng sáng gầm 120 mm. Tại Việt Nam, BYD Seal sẽ cạnh tranh trực tiếp với Toyota Camry và Mazda6.

Mẫu xe này có ba phiên bản là Dynamic RWD, Premium RWD và AWD Performance, khác nhau về sức mạnh và khả năng vận hành. Tại Thái Lan, giá của BYD Seal dao động từ 1,325 đến 1,599 triệu Baht, tương đương khoảng 914 triệu đến 1,1 tỷ đồng.

x1-2477.jpg
BYD Dolphin tại sự kiện lái thử

BYD Dolphin, một trong những mẫu xe thuộc phân khúc xe hatchback cỡ nhỏ. Xe có kích thước tổng thể là 4.150 x 1.770 x 1.570 mm và chiều dài cơ sở 2.700 mm. Tại thị trường ô tô Thái Lan, BYD Dolphin được bán với hai phiên bản khác nhau.

Phiên bản tiêu chuẩn của BYD Dolphin có thể di chuyển được khoảng cách tối đa 410 km theo chu trình thử nghiệm NEDC. Pin trên xe hỗ trợ sạc chậm AC 7 kW và sạc nhanh DC 60 kW.

Phiên bản cao cấp có thể đi được khoảng cách tối đa 490 km và hỗ trợ sạc chậm AC 7 kW và sạc nhanh DC 80 kW. Về mặt giá cả, BYD Dolphin tại thị trường Thái có giá dao động từ 699.999 đến 859.999 Baht, tương đương khoảng 483 đến 593 triệu đồng.

BYD Atto 3, mẫu xe gây ấn tượng mạnh tại Thái Lan và rất ăn khách tại thị trường này. Mẫu Atto 3 được đánh giá là một trong những lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc SUV cỡ B+, cạnh tranh trực tiếp với Toyota Corolla Cross và Haval Jolion.

x3-1914.jpg
BYD Atto 3

Về kích thước, Atto 3 có tổng chiều dài x rộng x cao lần lượt là 4.455 x 1.875 x 1.615 mm, với chiều dài cơ sở đạt 2.720 mm. Con số này đặt nó vào cùng phân khúc với VinFast VF7, mặc dù chiều dài cơ sở của Atto 3 lại ngắn hơn.

Tại Thái Lan, BYD Atto 3 được trang bị mô tơ điện nằm trên cầu trước, mang lại công suất tối đa 204 mã lực và mô men xoắn cực đại 310 Nm. Mô-tơ này kết hợp với pin lithium sắt photphat (LFP) có dung lượng 50,25 kWh hoặc 60,48 kWh, sản xuất bởi BYD. Hai loại pin này cho phép xe đi được quãng đường tối đa lần lượt là 410 km và 480 km theo chu trình thử nghiệm NEDC.

Theo kế hoạch, BYD sẽ bổ sung thêm 3 mẫu xe khác là Han, Tang và Song vào đội hình sản phẩm phân phối tại Việt Nam.

NHIỀU RÀO CẢN

Khác với các đối thủ "đồng hương" khác, BYD trong lần thứ hai quay trở lại thị trường Việt Nam đã lựa chọn một chiến lược khác biệt, tập trung vào các sản phẩm thuộc dải "năng lượng mới".

Trong chiến lược này, xe điện thuần túy sẽ đóng vai trò chủ lực, phù hợp với xu hướng và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về các phương tiện giao thông sạch và bền vững.

Thực tế, không có gì ngạc nhiên khi sức mạnh của BYD nằm ở công nghệ pin và chiếc xe điện, đây chính là "bước nhảy" giúp hãng xe Trung Quốc này ghi dấu trong ngành công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên, thị trường ô tô điện tại Việt Nam hiện đang chìm trong giai đoạn sơ khai, với mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn phát triển sớm. Do đó, sự quay trở lại của BYD vào thời điểm này, và việc chọn lựa xe điện làm dòng sản phẩm chính để cạnh tranh, đang khiến nhiều chuyên gia có những nghi ngại chính đáng.

Ngoài khó khăn từ tâm lý người dùng, các vấn đề về chất lượng xe và thách thức của hạ tầng trạm sạc cho xe điện cũng đang là những rào cản lớn, khiến các chuyên gia không lạc quan về thành công của các mẫu xe của hãng Trung Quốc BYD tại thị trường Việt Nam.

Trong hai năm trở lại đây, nhiều số liệu chỉ ra rằng BYD đã vượt mặt người anh cả Tesla để chiếm lĩnh vị trí thương hiệu đứng đầu thế giới ở mảng xe điện. Thế nhưng, phần lớn doanh số xe BYD đến từ thị trường nước nhà.

Năm 2023, hãng xe này đạt doanh số gần 3 triệu xe tiêu thụ tại Trung Quốc và chỉ khoảng 243.000 xe bán ra tại các thị trường nước ngoài. Điều này càng chứng minh rằng BYD vẫn đang “bám víu” vào thị trường nội địa.

x4-4030.png

Khác với các nước đi đầu về chuyển đổi qua xe điện, thị trường Việt hiện nay mới ở giai đoạn khởi đầu, có rất ít chính sách hỗ trợ về giá cho xe điện. Thêm vào đó, Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ về hạ tầng trạm sạc.

Phần lớn trạm sạc này đều thuộc sở hữu của VinFast và đến thời điểm hiện tại chỉ phục vụ riêng cho người dùng xe VinFast. Hơn thế, những mô hình trạm sạc công cộng do tư nhân đứng ra xây dựng và vận hành giống như Trung Quốc hiện vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam.

Trước khi bước chân chính thức vào Việt Nam, các mẫu xe BYD đã gây xôn xao với hàng loạt phản ánh tiêu cực về chất lượng từ người dùng ở tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Đáng chú ý, gần 10.000 xe BYD đang bị tồn kho tại châu Âu do không đáp ứng được tiêu chuẩn.

Thị trường Thái Lan, nhiều người dùng liên tiếp phản ánh về vấn đề bề mặt sơn và nhựa bong tróc của các xe BYD, đồng thời có những trường hợp xe bốc khói khi đang sạc.

Tại Israel, các xe của thương hiệu Trung Quốc này cũng thường xuyên gặp phải vấn đề mui xe cong vênh khi chạy trên đường. Gần đây nhất, vào cuối năm 2023, đã xuất hiện thông tin về nấm mốc trong khoang nội thất của hàng loạt xe BYD.

Những phản hồi tiêu cực từ quốc tế đã làm tăng sự ngần ngại của người tiêu dùng Việt Nam đối với xe Trung Quốc, mặc dù sự “ngán xe Trung” này đã tồn tại từ trước đó. Nếu không thể giải quyết được những vấn đề trên, BYD sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được thành công tại thị trường Việt Nam.

Xem thêm

Ô tô số sàn ngày càng lép vế

Ô tô số sàn ngày càng lép vế

Xe số tự động và ô tô điện ngày càng được người dùng ưa chuộng, khiến cho các nhà sản xuất cũng phải điều chỉnh lượng xe số sàn bán ra thị trường. Tuy nhiên, ô tô số sàn sẽ không biến mất hoàn toàn khi vẫn còn những khách hàng trung thành với mẫu xe có trang bị này…

Chật vật tìm mua xăng, dầu chuẩn Euro 5

Chật vật tìm mua xăng, dầu chuẩn Euro 5

Từ tháng 1/2022, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đã bán loạt xe mới đạt chuẩn khí thải Euro 5, nhưng cho đến nay, nguồn cung nhiên liệu này vẫn còn khan hiếm, đặc biệt là dầu DO 0,001S…

Có thể bạn quan tâm

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Thị trường ôtô Việt Nam đang bùng nổ với xu hướng điện hóa, đặc biệt là sự ra đời của xe hybrid và xe thuần điện, hứa hẹn một tương lai bền vững và đổi mới cho ngành ô tô Việt…