RCEP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực

Bên cạnh việc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực, RCEP cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực...

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, hướng tới tương lai được thiết kế cho thương mại quốc tế thế kỷ 21. RCEP ra đời sẽ tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước, trong đó có Việt Nam. Loạt bài viết này, Thuonggiaonline sẽ phân tích những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gợi ý một số giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế từ RCEP.

Những lợi ích nhìn thấy rõ

Khác với các hiệp định thương mại chất lượng cao như Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn.

RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia
RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia

RCEP cũng bao gồm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, nhưng nội dung và mức độ cam kết là phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Với việc ký kết một thỏa thuận bao trùm là RCEP, thương mại giữa các quốc gia thành viên sẽ được thúc đẩy nhờ hàng rào thuế quan được hạ thấp, các quy định và thủ tục hải quan được quy chuẩn hóa, và cánh cửa thị trường được mở rộng hơn giữa các nước hiện chưa có FTA với nhau.

RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì sẽ giảm mạnh thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2.2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Ở châu Á, GDP kết hợp của RCEP gấp khoảng 5 lần so với các thành viên của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), và khoảng 3 lần so với các nước châu Á khác, bao gồm cả Ấn Độ.

Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia trong thỏa thuận mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường. Đối với các công ty xuất khẩu hàng hóa ra ngoài khối, việc xây dựng chuỗi cung ứng trong các nước RCEP cũng mang lại nhiều lợi ích hơn.

Hiệp định này cũng có các chương dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trong khi đưa ra các quy trình rộng rãi cho hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa các nước vì sự thịnh vượng chung.

Thương mại của Việt Nam nói chung và thương mại của Việt Nam với các nước RCEP nói riêng đã có những thay đổi quan trọng cả về chiều hướng và cơ cấu trong những năm gần đây. Do đó, việc nắm rõ những thay đổi này là cần thiết để đánh giá tác động của hội nhập kinh tế khu vực đối với Việt Nam.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Trao đổi với Phóng viên Thuongiaonline.vn, nhiều chuyên gia đều khẳng định RCEP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực nhờ giảm mức thuế nhập khẩu và cộng gộp chi phí xuất xứ nguyên liệu nhập khẩu. Trước đây, hàng hóa của Việt Nam (có nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc) nên khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, quy định của các FTA ASEAN +1 phải có ít nhất 40% tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng RCEP lại cho phép cộng gộp giá trị nguyên liệu nhập khẩu từ các nước tham gia đàm phán, bao gồm cả Trung Quốc, thì hàng hóa của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc sẽ vẫn được ưu đãi thuế khi vào các nước kể trên.

Bên cạnh đó, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Trên thực tế, các thị trường trong khối RCEP hiện nay đang bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng hoá mà hiện nay Việt Nam có thế mạnh, như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…

Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc...), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề mà chúng ta có thể kỳ vọng. Ví dụ quy tắc chung thống nhất để giảm thiểu các biện pháp phi thuế quan hạn chế hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Đặt biệt các chuyên gia nhấn mạnh là RCEP sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, minh bạch hơn, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để tăng năng lực cạnh tranh.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, trong các năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước Đông Á vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Trong đó, Singapore dẫn đầu về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, theo sau là Malaysia và Thái Lan.

Tham gia RCEP Việt Nam sẽ mở cửa thị trường du lịch cho các nước trong nội khối
Tham gia RCEP Việt Nam sẽ mở cửa thị trường du lịch cho các nước trong nội khối

Đối với các doanh nghiệp du lịch, đây cũng là cơ hội để họ phát triển. Theo cam kết, các nước trong khu vực sẽ mở rộng thị trường du lịch quốc tế cho Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng mở cửa thị trường du lịch cho các nước trong nội khối. Khi đó, du lịch Việt Nam có điều kiện mở rộng trao đổi khách, thu hút đầu tư, đẩy mạnh du lịch quốc tế, cắt giảm chi phí tổ chức tour, hạ giá thành, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn.

Một điểm thuận lợi khác là người tiêu dùng trong RCEP phần lớn không quá khó tính; đồng thời, nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh là tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến… RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ và tiềm năng cho xuất khẩu, với 50% dân số thế giới, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, 28% tổng lượng thương mại của thế giới.

Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống tương đối cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng khá lớn. Một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm – điều đang gặp phải trong CPTPP, EVFTA, và do đó phù hợp với trình độ của phần lớn doanh nghiệp trong nước.

Có thể bạn quan tâm