Richemont mua lại thương hiệu đồ da cao cấp Delvaux

Tập đoàn Thuỵ Sĩ Richemont đang mở rộng danh mục thời trang và phụ kiện của mình, và mới đây nhất là qua thương vụ mua lại thương hiệu đồ da cao cấp của Bỉ - Delvaux.

Tập đoàn Richemont, chủ sở hữu của Cartier, Net-à-Porter, Chloé, Dunhill, Alaïa và nhiều hơn nữa, đã công bố thông tin về việc mua lại thương hiệu đồ da có tính lịch sử của Bỉ - Delvaux.

Được thành lập vào năm 1829 tại Brussels, Delvaux vào năm 2011 đã được First Heritage Brands - một công ty đầu tư thuộc tập đoàn Fung Brands (Li & Fung) Hong Kong mua lại. Số tiền giao dịch không được tiết lộ.

Mẫu túi Brilliant đặc trưng của Delvaux.

Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, công ty đã tuyên bố doanh thu hàng năm hơn 100 triệu euro, đặc biệt đạt được thông qua mạng lưới 50 cửa hàng và thông qua kênh bán buôn của mình. Delvaux chỉ mới ra mắt hệ thống thương mại điện tử của mình vào mùa xuân năm 2020.

Sau khi điều hành Delvaux từ 2012 đến 2018, Marco Probst giành lại quyền quản lý thương hiệu vào tháng 12/2019, kế nhiệm Jean-Marc Loubier. Trước đó, từ năm 2010 đến năm 2012, ông từng là giám đốc hoạt động của nhà mốt Chloé - cũng là một thành viên của Richemont.

Cửa hàng flagship của Delvaux tại Brussel, Bỉ.

Vào mùa thu năm ngoái, giám đốc nghệ thuật của Delvaux từ năm 2017, Christina Zeller, đã quyết định rời công ty vì "lý do cá nhân" sau mười năm gắn bó. Kể từ khi Zeller ra đi, đội ngũ sáng tạo của hãng đã tiếp nhận trách nhiệm mà chưa bổ nhiệm người đứng đầu. Do đó, việc tiếp quản của tập đoàn Richemont có thể sẽ kèm theo kế hoạch công bố một giám đốc sáng tạo mới trong thời gian tới.

Thương vụ mới nhất này dự kiến sẽ cho phép Delvaux bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo, tận dụng sự hiện diện toàn cầu và khả năng phát triển kỹ thuật số của Richemont, để mở rộng tiềm năng đa kênh và thu hút thêm các nhóm khách hàng mới trẻ tuổi hơn.

Lady Gaga cũng là một "fan cứng" của thương hiệu Delvaux.

Trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31/3/2021), Richemont đã chứng kiến doanh thu của mình giảm 8% xuống còn 13,1 tỷ euro. Sau quý đầu tiên khó khăn (-26%), hoạt động đã phục hồi trong quý IV (+ 30%), nhờ sự năng động của các thương hiệu trang sức, doanh số bán hàng trực tuyến và thị trường Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm