Robot phục vụ từ Trung Quốc khiến người dân Hàn Quốc “đau đầu” về tình trạng cạnh tranh việc làm

Xu hướng sử dụng robot giá rẻ của Trung Quốc đang làm dấy lên một làn sóng phản đối ở Hàn Quốc, khi Seoul phải vật lộn với nhiều vấn đề về việc làm và cạnh tranh sản xuất...

Robot phục vụ tại một nhà hàng Ý ở Seoul, Hàn Quốc
Robot phục vụ tại một nhà hàng Ý ở Seoul, Hàn Quốc

Robot phục vụ, công cụ nhận order và bưng bê món ăn từ bếp đến bàn của thực khách, đang rất được các chủ nhà hàng Hàn Quốc ưa chuộng. Bởi lẽ, họ đều đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên giữa bối cảnh thiếu lao động và mức lương tối thiểu tăng cao.

Trong khi đó, bản thân nhiều thực khách cũng bày tỏ sự thích thú và ủng hộ đối với “dịch vụ không tiếp xúc” kể từ sau 2 năm sống chung với Covid-19.

Anh Kwon Hyang-jin, người sử dụng robot trong nhà hàng Ý của mình ở phía đông Seoul, cho biết: “Tôi không phải lo lắng về việc thuê người nữa. Thành thực mà nói, robot không bao giờ bị ốm hay phàn nàn về khối lượng công việc của mình”.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Robot Hàn Quốc, khoảng 5.000 robot phục vụ đã được sử dụng trong các nhà hàng Hàn Quốc vào năm 2022, tăng 67% so với năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 10.000 trong năm nay.

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, Hàn Quốc có “mật độ robot” cao nhất thế giới, với tỷ lệ 1.000 robot công nghiệp trên 10.000 nhân viên sản xuất, so với 399 ở Nhật Bản, 322 ở Trung Quốc và 274 ở Mỹ. Robot không chỉ được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy ô tô và bán dẫn mà còn trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Screen Shot 2023-08-28 at 11.23.57 AM.png
Hàn Quốc có “mật độ robot” cao nhất thế giới

Vào tháng 4, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật cho phép robot giao hàng hoạt động trên vỉa hè và đi vào các khu vực công cộng. Tháng trước, văn phòng giáo dục thủ đô Seoul cũng đưa ra kế hoạch thí điểm sử dụng robot nấu ăn để chuẩn bị thức ăn tại các trường học công lập.

Theo Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, thị trường robot dịch vụ của Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi doanh thu, từ 530 triệu USD trong năm nay lên 1 tỷ USD vào năm 2026, với mức tăng trung bình hàng năm là 23%.

Trong nỗ lực thúc đẩy việc áp dụng robot dịch vụ vào cuộc sống, chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp cho người mua các gói ưu đãi lên tới 70% , bất kể nguồn gốc của sản phẩm. Và khác hẳn với Mỹ, Hàn Quốc không áp thuế đối với robot nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này rõ ràng mang lại cho các chủ nhà hàng như anh Kwon Hyang-jin cơ hội mua – hoặc phổ biến hơn là thuê – robot Trung Quốc với giá rẻ hơn từ 10 đến 20% so với các robot Hàn Quốc.

Kwon đã thuê lại một robot do Trung Quốc sản xuất từ B-Robotics, một công ty con của nhà điều hành nền tảng giao đồ ăn lớn nhất đất nước Woowa Brothers, với giá 300.000 Won (225 USD) mỗi tháng. Mức lương tối thiểu hàng tháng cho một nhân viên con người ở Hàn Quốc là khoảng 2 triệu won.

Lee So-yeon, một khách hàng đang ăn trưa tại nhà hàng của Kwon Hyang-jin nhận xét: “Thật vui khi được phục vụ bởi robot. Tôi đã lo lắng rằng nó có thể va vào thứ gì đó, nhưng không hề có sự bất tiện nào như vậy cả.”

robot.jpg

Mặc dù đang phát triển vượt bậc, nhưng thị trường này lại đang bị chi phối bởi các công ty nước ngoài. Cụ thể, các công ty Trung Quốc đã sản xuất hơn 70% robot phục vụ tại Hàn Quốc vào năm ngoái.

Nhiều giám đốc trong ngành chia sẻ với Financial Times rằng các chương trình của chính phủ Hàn Quốc - được thiết kế để khuyến khích sử dụng robot bất kể nơi xuất xứ - đang làm suy yếu ngành công nghiệp robot nội địa, vốn được coi là chìa khóa để giảm bớt tình trạng thiếu lao động ở một quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

“Chúng tôi lo lắng rằng robot giá rẻ của Trung Quốc đang thống trị thị trường vì quả thật rất khó cạnh tranh với họ về giá cả. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục điểm yếu về giá và mang đến các robot chất lượng cao hơn, nhưng điều này lại không hề dễ dàng”, giám đốc điều hành của một nhà phân phối robot nội địa hàng đầu cảnh báo.

Cũng theo Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, các công ty robot của Hàn đang tụt hậu so với đối thủ ở Nhật Bản, Mỹ, Đức và Trung Quốc về khả năng cạnh tranh do còn phụ thuộc quá nhiều vào các bộ phận nhập khẩu từ nước ngoài và sự chậm chạp của Hàn Quốc trong phát triển phần mềm.

“Không dễ để đảm bảo khả năng cạnh tranh về giá vì chúng tôi phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện từ Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu trong khi các đối thủ Trung Quốc chủ yếu sử dụng linh kiện trong nước”, vị giám đốc này cho biết thêm.

Nhiều công ty Hàn Quốc hiện đang nỗ lực lấy lại thị phần bằng cách giới thiệu các loại robot phức tạp hơn dành cho khách sạn và robot giao hàng phục vụ các tòa nhà và căn hộ. Tuy nhiên, các quan chức trong ngành lo lắng rằng việc Seoul còn ngần ngại và miễn cưỡng trong việc đưa ra các khoản trợ cấp có ý nghĩa sẽ đe dọa sự phát triển của ngành công nghiệp robot địa phương trong bối cảnh hiện nay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…