"Rút ngắn" giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản

Sáng ngày 14/12, Hội nghị bất động sản Việt Nam (Vietnam Real Estate Summit - VRES 2022) diễn ra với chủ đề “Nội lực và kỳ vọng” có sự tham gia của nhiều diễn giả và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế - tài chính.

Tại hội nghị, chia sẻ về yếu tố ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com cho rằng, yếu tố đầu tiên ảnh hưởng rõ ràng và trực diện đó là nguồn vốn. Yếu tố này tác động trực tiếp đến cả doanh nghiệp bất động sản lẫn người mua.

Bởi lẽ, bản thân các doanh nghiệp rất khó xoay sở nguồn vốn để có thể triển khai dự án. Còn đối với người mua, họ cũng không thể tiếp cận được hoặc vay được nguồn vốn để mua bất động sản. Đây là khó khăn chung của cả thị trường.

Ngoài ra, ông Quốc Anh cũng cho rằng, một yếu tố khó khăn khác đối với người mua là vấn đề về giá. Nếu so sánh với nước ngoài thì giá bất động sản Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Điều này làm giảm khả năng giao dịch mua bán trên thị trường. 

Bên cạnh những khó khăn, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin. Lực cầu vẫn có song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường.

"Chỉ số GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5 - 8,2% cùng với CPI từ 3,8 - 4,2% cho thấy bức tranh chung duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập người dân ổn định. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 40%, còn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa đến 50%. Với những đô thị lớn tập trung đông dân, kinh tế được đẩy mạnh đầu tư thì thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội", ông Nguyễn Quốc Anh đánh giá.

Cũng tại hội nghị, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đã đưa ra một số dự báo về thị trường trong năm 2023. Cụ thể, ông Lực nhấn mạnh bài toán trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là một thách thức cần giải quyết. Thị trường này sẽ sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi dần dần.

VRES 2022
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Đáng chú ý, ông Lực nhìn nhận nguồn cung, pháp lý có thể sẽ được tháo gỡ. Bất động sản đất nền, khu công nghiệp, nhà ở tiếp tục được điều chỉnh và khả quan. Đặc biệt trong tương lai thị trường sẽ lành mạnh hơn, thực chất và bền vững hơn.

Do đó, vị chuyên gia trên đã đưa ra một số giải pháp nhằm rút ngắn giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản. Điển hình như việc các doanh nghiệp bất động sản trong tương lai cần phải thực hiện là cơ cấu lại doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất tỷ giá. Song song, các doanh nghiệp này cũng phải chủ động tìm hiểu tiếp cận chương trình phục hồi, các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ… Có các phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023-2024.

Một số đề xuất khác ông Lực đưa ra cho doanh nghiệp bất động sản gồm: (i) đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư; (ii) thích ứng với thị trường, quản lý thay đổi và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính; (iii) đặc biệt quan tâm đến phục hồi xanh, tăng trưởng xanh vì bất động sản xanh đang là xu thế trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm