Sẽ không còn "Thiên đường thuế Caribbean"?

thiên đường thuế).jpg

Tháng 1/2024, một tòa án ở Miami sẽ bắt đầu xét xử một phiên tòa bất thường: Phiên tòa xét xử Andre Fahie, cựu Thủ hiến của British Virgin Islands (BVI). Năm 2022 Andre Fahie bị bắt ở Mỹ.

Các nhà chức trách Mỹ nói rằng ông ta đã hứa với một người (chuyên cung cấp thông tin làm việc bí mật cho chính phủ Mỹ) rằng sẽ cho phép các loại thuốc bất hợp pháp đến Hoa Kỳ đi qua các cảng trên lãnh thổ của mình, để đổi lấy một khoản phí. Andre Fahie, người đang bị quản thúc tại gia ở Miami, đã không nhận tội.

Trong bốn thập kỷ, chính quyền BVI đã tạo "nguồn thu" bằng cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký kinh doanh - những doanh nghiệp chỉ có cái vỏ tồn tại chủ yếu trên giấy tờ, không có nhân viên hoặc văn phòng thực sự.

Chính sách này đã tạo tới hơn 2/3 ngân sách của chính quyền và đã biến một lãnh thổ chỉ có 33.000 dân trở nên nổi tiếng trong giới kinh doanh. Natalio Wheatley, người kế nhiệm ông Fahie làm Thủ hiến, thừa nhận: “Lĩnh vực tài chính đã giúp chúng tôi rất nhiều".

Nhưng gần đây, những nỗ lực toàn cầu nhằm chế ngự rửa tiền và trốn thuế đã có tác động lớn tới ngành tài chính của BVI: Tổng số công ty đăng ký tại đây đã giảm hơn 1/5 kể từ năm 2011. Giống như các trung tâm tài chính trên khắp vùng Caribe, "thiên đường thuế" đang mất dần ánh hào quang.

Hầu hết các lãnh thổ tại Caribe, đều tìm cách "lôi kéo" dòng tiền từ khắp nơi trên thế giới về bằng những chính sách tài chính hấp dẫn. Bahamas là quốc gia đầu tiên thực hiện tốt điều đó: Hiện nó kiếm được khoảng 10-15% GDP từ các dịch vụ tài chính, đặc biệt là ngân hàng tư nhân. Nơi phụ thuộc nhiều nhất vào số lượng các doanh nghiệp nước ngoài là Quần đảo Cayman, BVI và Bermuda. Trong đó BVI đặc biệt phụ thuộc. Các dịch vụ tài chính và doanh nghiệp ở nước ngoài chiếm 1/3 GDP, tạo ra khoảng 1/5 việc làm cho hòn đảo này.

"Thiên đường thuế Caribean" cung cấp các "bữa tiệc" tự chọn với các dịch vụ hữu ích và hợp pháp. Nhưng đây cũng chính là mảnh đất vàng để dòng tiền từ các hoạt động bất hợp pháp đổ về. Mạng lưới Tư pháp Thuế (TJI), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, ước tính rằng những vụ rửa tiền bất hợp pháp liên quan đến các trung tâm tài chính ở Caribe và Bermuda chiếm khoảng 20% ​​trong số 472 tỷ USD mà họ cho rằng các chính phủ trên thế giới thiệt hại mỗi năm do trốn thuế xuyên biên giới.

Con số 472 tỷ USD tiền thuế bị thất thoát trên toàn cầu có thể là con số không đáng quan tâm đối với các cường quốc kinh tế, nhưng đối với rất nhiều quốc gia khác thì đó là một khoản tiền khổng lồ.

"THIÊN ĐƯỜNG" SẮP MẤT

Tuy nhiên, những khoản tiền khổng lồ ấy hiện đang bị đe dọa bởi một làn sóng những quy tắc mới trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Ở Caribe, hai sáng kiến ​​đặc biệt hiện đang được quan tâm hàng đầu. Đầu tiên liên quan đến tính minh bạch của công ty.

Thiên đường thuế 1.jpg
20 "thiên đường thuế" hàng đầu thế giới do TJI công bố năm 2021 dựa trên "Chỉ số bí mật tài chính" được TJI đưa ra dựa trên "Khả năng cất giấu tiền của từng hệ thống ngân hàng và thị phần trên thị trường tài chính nước ngoài toàn cầu.

Năm 2016, Anh bắt đầu công bố trong cơ sở dữ liệu công cộng, danh tính của tất cả những người sở hữu ít nhất một doanh nghiệp trên lãnh thổ của mình. Đây là quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách công bố này. Bước tiếp theo, chính phủ Anh cũng yêu cầu các vùng lãnh hải ngoại của mình thực hiện việc công bố này vào cuối 2023.

Mục đích của việc này là cho phép các nhà báo và các tổ chức phi chính phủ truy tìm các hồ sơ doanh nghiệp (hiện tại chỉ được cung cấp cho cảnh sát và các cơ quan hữu quan khác) nhằm giúp phát hiện các hành vi lạm dụng và gian lận thuế trở nên dễ dàng hơn. Tất nhiên, quy định này của chính phủ Anh cũng đang vấp phải những phản đối từ chính quyền các hòn đảo tại Caribe, vì việc công khai thông tin doanh nghiệp cũng như danh tính thực những ông chủ của các doanh nghiệp "ảo" ấy sẽ khiến họ mất nguồn thu chính.

Áp lực thứ hai là Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (với mức sàn thuế 15%) được ký bởi hơn 130 quốc gia vào năm 2021 được đánh giá là một bước tiến mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế toàn cầu, nhằm chấm dứt hành vi chuyển giá trốn thuế, lập lại công bằng giữa các nước.

Trong nhiều năm, các công ty đa quốc gia đã sử dụng các kẽ hở pháp lý để kê khai lợi nhuận ở những thiên đường tính ít hoặc không tính thuế, thay vì nơi doanh số bán hàng của họ thực sự thu được. Trong tương lai, khi Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được tất cả các quốc gia tham gia áp dụng một cách đầy đủ, việc "né thuế" sẽ không còn dễ dàng. Trên lý thuyết, các công ty đăng ký kinh doanh tại các "thiên đường thuế", thay vì chỉ phải "nộp" một mức thuế tượng trưng, sẽ phải trả tối thiểu 15% thuế cho thu nhập của mình, bất kể lợi nhuận đó được đặt ở đâu trên thế giới.

Mức độ mà các "Thiên đường thuế Caribbean" được hưởng lợi từ việc “chuyển đổi lợi nhuận” của công ty thuộc loại mục tiêu của thỏa thuận này rất khác nhau. Thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm động cơ khuyến khích các tập đoàn lớn đăng ký kinh doanh tại đây, nhưng rất khó để có thể kiểm soát một cách triệt để.

Bahamas và Bermuda đang thảo luận về việc tăng thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn để qua đó tạo sức ép lên các chính phủ nơi các ông lớn này đóng đô. Quần đảo Cayman và BVI vẫn đang quyết định cách ứng phó. Mới đây cũng đã có những thông tin về việc có quốc gia muốn rút khỏi thỏa thuận. Nếu đúng vậy, đây sẽ là một đòn nặng vào mục tiêu kiểm soát rửa tiền, trốn thuế của thỏa thuận này.

Tất cả những điều này đã khiến BVI mất dần sự hấp dẫn đối với giới tội phạm buôn lậu, rửa tiền. Trong những năm 1950, thuộc địa này đã kiếm được một nửa doanh thu từ việc bán tem cho những người chơi tem, Oliver Bullough ghi lại trong cuốn “Butler to the World” của mình. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào cuối những năm 1970, khi các công ty Mỹ bắt đầu hợp nhất ở đó để khai thác những chính sách thuận lợi mà BVI khi đó được hưởng theo hiệp định thuế giữa Anh và Hoa Kỳ.

a0deff998be22260598e2453672e06b458d241ce.jpg

Trong vòng vài năm, BVI đã bán các "công ty sản xuất đồ đồng thau" cho các ông trùm từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những ông trùm Hong Kong đứng trước nguy cơ sẽ bị kiểm soát khi hòn đảo này trở về với Trung Quốc. Vào những năm 1990, Khu vực tài chính của Mỹ tại BVI tăng trưởng khoảng 50% mỗi năm. Tại những tòa nhà sầm uất ở Road Town, có khoảng 480.000 công ty trả phí để mượn địa chỉ đăng ký kinh doanh. Nếu tính theo đầu người thì mỗi người dân BVI "gánh" hơn 15 doanh nghiệp.

Nhưng số lượng công ty mới được thành lập hàng năm tại đây đã chậm lại đáng kể, từ gần 80.000 năm 2007 xuống còn khoảng 20.000 vào năm 2022. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên lãnh thổ đã giảm với tốc độ chậm hơn một chút (Trước đây, có rất nhiều doanh nghiệp được đăng ký chỉ để sử dụng cho một phi vụ nào đó, nhưng giờ các doanh nghiệp ấy được tồn tại lâu hơn cho các mục đích khác nhau). Tuy nhiên, con số này cũng đang giảm dần.

Gần đây, chính phủ đã cố gắng hỗ trợ doanh thu mà ngành này tạo ra cho lãnh thổ, một phần bằng cách tăng phí. Nhưng có lẽ cũng khó có thể cứu vãn. Một số khách hàng của BVI có thể sẽ chuyển đến các trung tâm hợp nhất rẻ hơn và được bảo vệ tốt hơn trước sự thúc đẩy của các quốc gia lớn.

Nền kinh tế của BVI dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về quy định so với các đối thủ ở Caribe vì lĩnh vực tài chính của nước này kém đa dạng hơn nhiều. Caymans là nơi trú ẩn lớn của các quỹ phòng hộ; Bermuda một trung tâm cho các công ty bảo hiểm.

Một báo cáo của chính quyền BVI công bố năm 2014 đã nhận ra vấn đề của sự phụ thuộc vào "dịch vụ tài chính". Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị rằng BVI cần đa dạng hóa các loại dịch vụ tài chính mà nó cung cấp, cũng như củng cố các trụ cột khác của nền kinh tế, chẳng hạn như du lịch. Nhưng từ đó tới nay có vẻ không có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau khi cơn bão Irma tấn công hòn đảo vào năm 2017 để lại hậu quả khủng khiếp.

Thiên tai đã phá hủy hoặc làm hư hại khoảng 70% tòa nhà và cản trở những nỗ lực thiết yếu để cải thiện cơ sở hạ tầng. Xa khỏi những bến cảng lung linh của Road Town, sâu vào đất liền, cuộc sống của người dân BVI tệ hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân. Giống như hầu hết những nơi khác ở Caribe, thanh niên bị lôi kéo vào các băng nhóm vận chuyển ma túy đến Hoa Kỳ, đâu đó trên đường phố ngoại ô Road Town có những chiếc ô tô với lỗ lỗ chỗ đạn trên kính chắn gió cho thấy sự bất ổn về an ninh.

Bộ máy chính quyền cũng chính là một vấn đề của BVI. Trước khi ông Fahie bị bắt, người ta đã thành lập cả một Ủy ban tìm kiếm bằng chứng về tham nhũng hoặc “sự thiếu trung thực nghiêm trọng” trong chính quyền BVI. Ủy ban này đã kết luận rằng các chính trị gia của BVI đã tiêu tiền công "mà không áp dụng bất kỳ tiêu chí khách quan nào, không đưa ra bất kỳ lý do nào và không sợ bất kỳ sự trừng phạt nào". Tuy nhiên, chính phủ Anh đã từ chối đình chỉ hoạt động của bộ máy chính quyền BVI như kiến nghị của Ủy ban này.

Người dân địa phương nhấn mạnh rằng sau nhiều năm hỗn loạn, lãnh thổ này cuối cùng cũng có những tiến triển tốt đẹp. Tại văn phòng của mình ở Road Town, Lorna Smith, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Tài chính, Lao động và Thương mại của BVI, cho biết Bộ dịch vụ tài chính mới của bà sẽ bảo vệ hoạt động kinh doanh của BVI và khuyến khích các dịch vụ giá trị gia tăng phát triển xung quanh nó.

Các kế hoạch của bà bao gồm tinh giản bộ máy quan liêu, giảm quan liêu và đẩy nhanh quá trình ra quyết định để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tăng trưởng kinh doanh ở Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI). Bà cũng thông báo thêm về việc bổ nhiệm Chủ tịch mới của Tòa án Trọng tài Lao động, thể hiện sự cống hiến của chính phủ trong việc hỗ trợ các dịch vụ tài chính và cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn hơn.

Lorna Smith nói một cách nhiệt tình về các cơ hội trong “tài chính xanh”, theo đó Quần đảo có thể huy động tiền từ các nhà đầu tư quốc tế bằng cách bảo vệ vùng biển và rạn san hô của mình. Cô cho biết thêm, vào năm tới, BVI sẽ tổ chức một hội nghị fintech lớn trên một tàu du lịch. Còn Wheatley nói rằng du lịch đang phục hồi trở lại sau thời kỳ đại dịch ảm đạm. Lần đầu tiên sau nhiều năm, du khách có thể đến Quần đảo trên chuyến bay thẳng từ Miami.

Tận dụng tối đa những cơ hội này sẽ đòi hỏi phải cắt giảm thủ tục hành chính đang cản trở quá nhiều doanh nhân địa phương. Điều đó có nghĩa là phải tự do hóa hệ thống nhập cư của mình, để giúp những người nhập cư bắt đầu gọi nơi này là nhà dễ dàng hơn. Đặc biệt, nó sẽ đòi hỏi những nỗ lực lớn để sửa chữa các trường học yếu kém, điều mà trong những năm chính quyền mải mê kiếm tiền từ "dịch vụ tài chính" đã bị bỏ bê. Nếu không có những nền tảng vững chắc này, BVI sẽ vừa đánh mất danh xưng "thiên đường thuế" và vừa bị tụt lại phía sau.

Xem thêm

EU cập nhật danh sách đen các "thiên đường thuế"

EU cập nhật danh sách đen các "thiên đường thuế"

Ngày 13/3, các bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã đưa Bahamas, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ và Liên bang Saint Kitts và Nevis vào danh sách đen các "thiên đường trốn thuế." Như vậy hiện danh sá
Công bố danh sách 17 "thiên đường thuế"

Công bố danh sách 17 "thiên đường thuế"

Theo hãng tin Reuters, ngày 5/12, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua danh sách gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài EU bị cho là các "thiên đường thuế".

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…