Ngày ngày anh vẫn miệt mài đi tìm kiếm, khám phá thêm để mang đến cho cộng đồng yêu thích rượu vang hiểu biết rộng hơn về nó.
- Thưa anh Thịnh, cơ duyên nào dẫn anh đến với Sommelier (Chuyên gia thử nếm và phục vụ rượu vang) trong khi ở Việt Nam mình vẫn rất ít người biết đến nghề này?
Bản thân Thịnh cũng không nghĩ một ngày làm nghề này vì ở nước mình nghề này còn quá mới lạ, thậm chí nhiều người làm trong ngành thực sự họ vẫn chưa biết gì. Khi làm trong lĩnh vực ẩm thực, Thịnh chủ yếu làm việc với người quản lý là người nước ngoài và phục vụ khách cũng là người nước ngoài. Đối với họ, rượu vang là một thứ văn hóa không thể thiếu trong ẩm thực. Chính vì thế Thịnh mới có cơ hội được tiếp xúc, được họ chia sẻ về những kiến thức cơ bản về rượu vang nhằm phục vụ cho công việc. Thời điểm đó không riêng gì Thịnh mà còn có rất nhiều người được học nhưng không phải là ai học cũng biết và cũng thích. Lúc đầu Thịnh cũng không thích học nhưng càng học Thịnh càng cảm thấy hay. Hồi đấy Thịnh tự nghiên cứu là chính vì không có trường lớp nào để học và tranh thủ hỏi thật nhiều khi có chuyên gia sang Việt Nam dạy về vấn đề này.
Sau đó Thịnh được chọn đi Pháp để trải nghiệm từ cách hái nho, ép nho, các công đoạn làm rượu đến việc nếm thử rượu vang sau 3 ngày, 5 ngày lên men... Điều đấy làm Thịnh có động lực học hơn nữa. Sau thời gian đó Thịnh chuyển sang Ma Cao làm tại một khách sạn lớn với chức vụ Sommelier và tiếp tục học thêm về nghề này, rồi quay lại quê hương sau 4 năm làm việc ở nước bạn với mong muốn chia sẻ thêm kiến thức về rượu vang cho những người đam mê về nó.
Là một trong những chuyên gia thử rượu vang hàng đầu tại Việt nam với 15 năm kinh nghiệm trong nghề và đạt được hàng loạt các giải thưởng lớn như giải 3 Sommelier Đông Nam Á 2015, giải nhì Sommelier Ma cao 2013, giải nhất sommelier Việt Nam 2015. Vậy theo anh để trở thành một sommelier giỏi cần có những yếu tố gì?
Năm 2015 Thịnh có tham dự cuộc thi về chuyên gia phục vụ rượu vang, nếm thử rượu vang Pháp ở Việt Nam và Thịnh được giải nhất, từ đó mọi người biết đến Thịnh cũng như công việc mình hơn. Cùng năm đó, Thịnh tiếp tục tham dự cuộc thi rượu vang quốc tế tổ chức tại Thái lan. Một tuần sau Thịnh lại tiếp tục sang Kuala lampua thi rượu vang Pháp nhưng chỉ lọt vào bán kết. Sau đó Thịnh được làm Giám khảo cuộc thi chấm rượu vang tại Hồng kông năm 2017. Vì những nỗ lực đó, khi nhắc đến Alex Thịnh khá nhiều người trong cộng đồng người Việt Nam uống rượu vang biết đến. Thịnh làm với mục đích chia sẻ niềm đam mê, chia sẻ văn hóa rượu vang, lan tỏa cái hay cái đẹp của vang đến công chúng chứ không phải làm vì mục đích tôi là Alex Thịnh.
Để đạt được những thành tích trên tôi đã mất rất nhiều thời gian cũng như hi sinh rất nhiều thứ. Như Thịnh nói để trở thành Sommelier nó không quá khó nhưng để trở thành một Sommelier giỏi thì rất khó, bắt buộc đầu tiên phải có niềm đam mê (tất nhiên đam mê không tự đến mà phải có quá trình tìm hiểu) và phải luôn luôn học hỏi và trải nghiệm. Thứ hai, phải có lòng quyết tâm bởi nếu không quyết tâm thì sẽ không bao giờ làm được. Thứ ba, phải luôn có môi trường để thực hành nó.
Sommelier cũng giống như một người công nhân, công nhân thì có nhiều bậc từ bậc 1 cho tới bậc 7, tay nghề không giống nhau. Để trở thành một người Sommelier giỏi thì điều đầu tiên phải học nó, rèn luyện nó và đương nhiên phải có va vấp nghề nữa mới hiểu được tâm lý của khách để tư vấn. Thịnh nghĩ mang đến cái tốt nhất cho khách và sự hài lòng là thành công chứ không phải bán được chai rượu đắt nhất mới là thành công. Quan điểm của Thịnh là bán chai rẻ cũng thành công bởi mình bán những sản phẩm mà khách mong muốn, làm cho khách vui là thành công rồi.
Sommelier nó đòi hỏi không chỉ nắm vững kiến thức về rượu vang mà còn nắm vững kiến thức xã hội. Bên cạnh đó còn phải biết cách ứng xử để mang đến những gì tốt nhất cho khách hàng, làm cho khách hàng hài lòng. Thịnh rất vui khi có những khách đến không vì nhà hàng mà vì Thịnh, đến để cùng chia sẻ và để Thịnh giúp họ hiểu về vang hơn. Đó là niềm hạnh phúc mà nghề mang lại cho Thịnh.
Sommelier là thế. Ngoài kiến thức rượu vang cần rèn luyện kĩ năng ứng xử với khách hàng. Đặc biệt cần dành nhiều thời gian để học, học nữa học mãi không dừng.
- Khó khăn khi anh theo đuổi nghề này là gì, thưa anh?
Khó khăn nhất đối với nghề Sommelier ở Việt Nam đó là kinh phí vì muốn hiểu biết về nghề phải có sự trải nghiệm khi đi thăm các vùng trồng nho, sản xuất rượu nho...mà những nơi sản xuất rượu nho thường nằm ở nước ngoài. Tuy nhiên có sự quyết tâm thì không có gì là không làm được.
Sommelier Nguyễn Tiến Thịnh (đứng hàng đầu tiên, ngoài cùng bên trái) nhận giải Sommelier Đông Nam Á 2015
Cái khó khăn nữa là thời điểm Thịnh bắt đầu vào nghề thì cái nghề này chưa phát triển và không được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên Thịnh nghĩ, cái nghề ít người theo mà nếu mình theo đuổi và thành công thì nó sẽ mang lại nhiều ý nghĩa.
- Anh có thể kể 2 câu chuyện anh cho là ý nghĩa nhất về 2 loại rượu vang ?
Loại đầu tiên mình muốn chia sẻ khi mình mới tìm hiểu về rượu vang Pháp đó là Sâm - panh. Sâm - panh là một thứ đồ uống rất xa xỉ, sang trọng và tinh tế và được dùng trong các dịp lễ như đám cưới, sự kiện chiến thắng trong thể thao, các lễ hội lớn như đón năm mới... Người Pháp họ có được danh tiếng đối vơi chai vang này là nhờ phương pháp lên men lần thứ hai để sinh ra những chai Sâm – panh có chất lượng tuyệt vời như bây giờ.
Loại thứ hai đó là giống nho Pinot Noir. Nói đến giống nho này đối với người Việt Nam sẽ ít người biết đến và cũng không ai quan tâm lắm. Và nếu có biết rồi cũng ít người thích uống bởi vì uống nó và cảm nhận nó rất khó. Có những chai Pinot Noir có thể để được từ 20 đến 30 năm và chất lượng rất tuyệt vời. Và để hiểu nó, thẩm thấu nó không hề đơn giản, phải nói là am hiểu lắm thì mới cảm được nó.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Phương Thảo thực hiện