S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh mới, giá dầu phục hồi

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức cao kỷ lục vào 5/6, chủ yếu được hỗ trợ bởi cổ phiếu công nghệ khi thị trường tiếp nhận dữ liệu kinh tế mới có thể thúc đẩy khả năng nới lỏng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh mới, giá dầu phục hồi

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 96,04 điểm (+0,25%) thành 38.807,33 điểm, S&P 500 thêm 62,69 điểm (+1,18%) lên 5.354,03 điểm và Nasdaq Composite tăng 330,86 điểm (+1,96%) lên 17.187,91 điểm.

Mức đóng cửa cao kỷ lục trước đó của S&P 500 là 5.321,41 điểm vào ngày 21/5 và còn của Nasdaq là 17.019,88 điểm vào ngày 28/5.

Công nghệ là ngành dẫn đầu đà tăng trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, theo sau đó là truyền thông và công nghiệp. Hàng tiêu dùng thiết yếu có mức giảm lớn nhất.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu ngành chip “phi mã” 4,5% nhờ vào Nvidia và Taiwan Semiconductor Manufacturing.

Cổ phiếu của Nvidia tăng vọt 5,2% và kết thúc ngày ở mức 1.224,40 USD/cổ phiếu.

Định giá thị trường của Nvidia cũng lần đầu tiên cán mốc 3 nghìn tỷ USD, giúp nhà sản xuất chip này vượt Apple để trở thành công ty có giá trị thứ hai trên thế giới.

Cổ phiếu Intel tăng 2,5% sau khi Apollo Global Management đồng ý mua 49% cổ phần công ty với giá 11 tỷ USD trong một liên doanh liên quan đến đơn vị ở Ireland của nhà sản xuất chip này.

Hewlett Packard Enterprise tăng 10,7% với dự báo doanh thu quý 3 cao hơn kỳ vọng của Phố Wall, phần lớn nhờ nhu cầu lạc quan đối với máy chủ AI.

Trong khi đó, Dollar Tree giảm 4,9% do dự báo lợi nhuận hàng quý đáng thất vọng. Nhà bán lẻ giá rẻ cho biết họ sẽ khám phá các lựa chọn bao gồm việc bán hoặc tách riêng hệ thống Family Dollar.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,8 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,6 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, báo cáo bảng lương tư nhân tháng 5 là dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động không còn quá thắt chặt, từ đó có thể thúc đẩy Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Một báo cáo hôm 4/6 đã chỉ ra rằng số lượng việc làm trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện đặt cược 69% khả năng lãi suất sẽ được cắt giảm vào tháng 9. Kỳ vọng này đã dao động quanh mức 50% vào tuần trước.

GIÁ DẦU PHỤC HỒI HƠN 1%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi hơn 1% trong phiên 5/6. Hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đã lấn át các lo ngại về nhu cầu sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 89 cent, tương đương 1,2%, ở mức 78,41 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 82 cent, tương đương 1,1%, lên 74,07 USD/thùng.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 1,2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31/5, ngược lại so với ước tính của các nhà phân tích là giảm 2,3 triệu thùng.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 9 và một lần nữa trong năm nay, theo đa số các nhà dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters. John Kilduff, đối tác tại Again Capital cho biết: “Dữ liệu bên ngoài thế giới dầu mỏ yếu đến mức nó sẽ tạo cơ sở cho Fed cắt giảm lãi suất và thúc đẩy một số tăng trưởng”.

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay, điều này có thể khuyến khích hoạt động kinh tế và thúc đẩy nhu cầu đối với dầu mỏ.

Trước đó, cả hai hợp đồng đều giảm trong 5 phiên liên tiếp và giảm hơn 1% vào phiên 4/6 xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng Hai.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...