Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 2 “đi lùi”, chỉ đạt 5,3%

Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam ở mức 5,3%, thấp hơn so với quý 1 là 5,66%. Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ lên mức 4,5%...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 2 “đi lùi”, chỉ đạt 5,3%

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam ở mức 5,3%, thấp hơn so với quý 1 là 5,66%. Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ lên mức 4,5%.

Theo các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered, ​​tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo sẽ giảm xuống 8,2% so với cùng kỳ trong tháng 6 từ mức 9,5% trong tháng 5. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm xuống 14,2% so với cùng kỳ trong tháng 6, từ mức tăng 15,8% của tháng 5 và xuất khẩu điện tử sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm nay.

Tăng trưởng nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng lần lượt đạt 26% và 5,2% vào tháng 6, trong khi kết quả tháng 5 là 29,9% và 8,9%.

Standard Chartered dự báo lạm phát có thể tăng lên 4,5% so với cùng kỳ trong tháng 6, từ 4,4% trong tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát trên mức 4%. Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm đã thúc đẩy lạm phát trong thời gian gần đây. Xu hướng này được kỳ vọng có thể duy trì trong những tháng tới.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Mặc dù tăng trưởng trong quý 2 có khả năng chậm lại nhưng chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi rất khả quan. Nền kinh tế có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong quý 3, trong bối cảnh của áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu”.

Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong quý 4 trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Yếu tố tỷ giá có thể sẽ thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong quý 4 hoặc sớm hơn. Các động thái từ Fed sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, một số tổ chức quốc tế và trong nước cũng đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế quý 2/2024. Trong đó, Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo GDP quý 2 sẽ tăng trưởng khoảng 6%.

Còn Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó có thể đạt được trong năm bởi có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.

Theo đó, VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2024. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5 - 6%, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, kịch bản này đạt được với một số giả định đạt mục tiêu như: Cán cân thanh toán thặng dư tối thiểu 21 tỷ USD; đầu tư khu vực tư nhân và FDI tăng 12% so với năm 2023 và tiêu dùng khu vực tư nhân tăng 4,2% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này có thể bù đắp cho tiêu dùng và đầu tư chậm lại từ khu vực công.

Ở kịch bản điều chỉnh chính sách, tăng trưởng GDP ở mức 6,01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng VND trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR khuyến cáo, trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ; tập trung đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm.

Ngoài ra, ông Việt cũng cho rằng, cần nghiên cứu gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời kỳ Covid-19 cho giai đoạn 2024 - 2025; thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

"Xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân; xem xét kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% hiện hành đến hết năm, thậm chí, nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng, có thể nghiên cứu kéo chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3 - 4%", ông Việt gợi ý.

Trong trung và dài hạn, ông Việt cho rằng cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng.

Trong đó, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, hay có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa các-bon, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh, công nghệ xanh, thân thiện môi trường...

Có thể bạn quan tâm