Liên minh đáng gờm của các thực thể công nghệ lớn nhất nước Mỹ, hay còn được gọi là Magnificent Seven, đã đạt giá trị vốn hóa thị trường là 13 nghìn tỷ USD - con số tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của bốn quốc gia lớn nhất Châu Âu bao gồm Đức, Anh, Pháp và Ý.
Sự so sánh như vậy không chỉ làm nổi bật sức mạnh của 7 doanh nghiệp công nghệ nói trên mà còn đặt ra câu hỏi rằng liệu việc định giá này có hợp lý hay không – hay thế giới đang chứng kiến một thực tế kinh tế mới.
Chiến lược gia đầu tư trưởng của Bank of America, Michael Hartnett đã cung cấp thêm thông tin chỉ ra rằng tổng vốn hóa thị trường của Magnificent Seven hiện cũng vượt quá tổng GDP của các thành phố lớn trên toàn cầu như New York, Tokyo, Los Angeles, London, Paris, Seoul, Chicago, San Francisco, Osaka, Dallas và Thượng Hải.
Bong bóng dotcom là bong bóng thị trường chứng khoán Mỹ vào khoảng cuối những 90 và đầu 2000 khi cổ phiếu của những công ty hoạt động dựa trên internet với tên miền “.com” bị đầu cơ quá mức dẫn đến sụp đổ.
Trong một phân tích gần đây của JP Morgan cho thấy tỷ trọng của 10 cổ phiếu hàng đầu trong Chỉ số MSCI USA đã tăng đáng kể 29,3% vào tháng 12/2023, rất gần tới mức cao lịch sử 33,2% được thấy trong thời kỳ đỉnh cao của bong bóng dotcom.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm Ed Yardeni, Giám đốc điều hành của Yardeni Research, đã nhận thấy những điểm tương đồng về mức độ tập trung thị trường giữa tình hình hiện nay và kỷ nguyên bong bóng dot-com. Tuy nhiên, một trong những điểm khác biệt chính là Magnificent Seven có thu nhập mạnh mẽ.
Nhìn chung, họ đã tạo ra doanh thu gần 1,8 nghìn tỷ USD trong 12 tháng qua, duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm ấn tượng là 23% trong thập kỷ qua.
Các thước đo định giá cổ phiếu truyền thống có thể cho thấy rằng hiệu suất thị trường của Magnificent Seven ít đáng lo ngại hơn so với dự đoán của nhiều nhà đầu tư.
Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E: Price-to-earnings) trung bình dựa trên thu nhập được báo cáo trong năm 2023 là ở mức 36, và khi xét cho 12 tháng tới là 33. Mặc dù những con số này có thể gây ra cảm giác “déjà vu” (cảm giác quen thuộc về một việc đã từng xảy ra) về việc định giá bong bóng đầu những năm 2000, nhưng vẫn hợp lý hơn nhiều so với với tỷ lệ P/E hơn 100 lần thu nhập của Nasdaq-100 khi đó.
Và một số bằng chứng này cho thấy định giá thị trường hiện tại của Magnificent Seven, tuy cao nhưng có thể không quá xa rời thực tế như nhiều người quan ngại.
Nhìn chung, chúng dường như phản ánh nhu cầu và lợi nhuận đáng kinh ngạc mà những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ này đã khai thác được trong những năm gần đây.
Công ty công nghệ lớn nhất châu Âu, ASML Holding N.V., được định giá 345 tỷ USD, chỉ một phần nhỏ so với mức vốn hóa thị trường khổng lồ 3 nghìn tỷ USD (2,78 nghìn tỷ euro) của Microsoft.
Bên cạnh đó, 7 cổ phiếu công nghệ lớn nhất châu Âu thậm chí còn không vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, điều này nhấn mạnh rõ ràng vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.
Tuy nhiên, trong một báo cáo của Euronews, khi xem xét sự phân nhánh trong các động lực thị trường hiện nay, điều cần thiết là phải cân bằng các khía cạnh kép trong quá trình phát triển nhanh chóng của Magnificent Seven và thừa nhận cả lợi thế cũng như rủi ro tiềm ẩn của nó.
Một mặt, những định giá này được ca ngợi như minh chứng cho sự thành công và đổi mới của doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực tăng trưởng cao như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, xe điện và nền tảng truyền thông xã hội.
Mặt khác, có những cảnh báo về sự nguy hiểm của thực trạng thống trị thị trường như vậy, bao gồm cả việc không công bằng trong cạnh tranh và khả năng gây ra mất cân bằng kinh tế.