Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có được sự tăng trưởng vượt bậc trong 9 tháng đầu năm 2017, dường như thị trường không có một đợt giảm điểm liên tiếp nào quá dài nhờ dòng vốn rót ròng mạnh mẽ của khối ngoại lên tới hơn 13.500 tỷ. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, chỉ số VN-Index dừng ở mức 804,42 điểm, tăng 139,55 điểm (21%) so với thời điểm cuối năm 2016, tương tự, chỉ số HNX-Index tăng 27,54 điểm (34,4%) lên 107,66 điểm.
Thị trường tăng điểm giúp một số nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận bằng lần. Tuy nhiên, để có thể kiếm được khoản lợi nhuận cao như vậy thì nhà đầu tư chắc hẳn phải rất bản lĩnh mới có thể giữ được các cổ phiếu này trong 9 tháng hoặc ít nhất cũng từ 3 - 4 tháng, nguyên nhân là vì trong số những cổ phiếu tăng mạnh nhất hai sàn niêm yết HOSE và HNX lại phần lớn là các mã có tính đầu cơ cao. Bản chất các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao là tăng trưởng không bền vững và liên tục có những đợt điều chỉnh dài và rất sâu, nên rất hiếm nhà đầu tư có thể chịu đựng được những đợt điều chỉnh này để nắm giữ cổ phiếu đó trong một thời gian dài.
Trong số 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 9 tháng qua tại sàn HOSE chỉ có 2 cổ phiếu thị giá trên 10.000 đồng/CP hồi cuối năm 2016, trong khi có đến 7 cổ phiếu thị giá dưới 5.000 đồng/CP. Tương tự, sàn HNX cũng chỉ có 2 cổ phiếu thị giá lớn hơn 10.000 đồng/CP, còn lại đều chỉ loanh quanh 2.000 - 7.000 đồng/CP.
Tại sàn HOSE, dẫn đầu về mức tăng giá thời gian qua là cổ phiếu HAR của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền. Cổ phiếu này đã tăng từ 2.527 đồng/CP lên đến 12.150 đồng/CP sau 9 tháng, tương ứng tăng 380,8%. Tuy nhiên, thời điểm tăng giá đột biến của HAR lại diễn ra từ đầu tháng 7/2017 khi những kế hoạch tham vọng được ban lãnh đạo công ty đưa ra. Theo kế hoạch này, HAR sẽ chuyển hướng sang mô hình holding, liên tục thực hiện các thương vụ M&A nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn để tích lũy tài sản cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Điển hình trong các thương vụ M&A từ đầu năm của HAR là 100 % vốn của CTCP Khu du lịch Đảo San Hô và dự kiến sở hữu 51% vốn tại CTCP Cơ khí Ngân hàng.
Tiếp đến, cổ phiếu QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đứng thứ hai với mức tăng giá lên đến 350,7%. Giá cổ phiếu QCG đã tăng từ 3.661 đồng/CP lên 16.500 đồng/CP. Thời điểm cổ phiếu QCG tăng thốc lên là vào đầu năm 5/2017 bắt nguồn từ những thông tin liên quan đến chuyển nhượng dự án Phước Kiển, nhưng những lùm xùm xung quanh thông tin này đã phần nào khiến cổ phiếu QCG điều chỉnh đi rất nhiều so với mức đỉnh của năm là 28.300 đồng/CP.
Cũng có mức tăng trên 300% thời gian qua là cổ phiếu KAC của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An (339,25%). Thậm chí, giá chốt phiên cuối cùng của tháng 9 (18.800 đồng/CP) đã giảm khá nhiều so với đỉnh mọi thời đại của cổ phiếu này được xác lập trong tháng 6/2017 là 34.000 đồng/CP. Đáng chú ý, việc tăng giá của cổ phiếu KAC được tạo nên bởi những giao dịch chỉ vài chục, vài trăm, vài nghìn cổ phiếu, cao nhất cũng chỉ vài chục nghìn cổ phiếu/phiên.
Còn tại sàn HNX, Công ty Cổ phần PIV (mã PIV) dẫn đầu mức tăng giá với 451%. Cuối năm 2016, PIV chỉ có giá 7.714 đồng/CP, nhưng sau 9 tháng, cổ phiếu này đã có giá 42.500 đồng/CP, như vậy, nếu nắm giữ cổ phiếu này thì tài khoản nhà đầu tư đã gấp 5,5 lần. Những biến động đột biến về giá cổ phiếu của PIV là quá khó hiểu trong bối cảnh doanh nghiệp này không có điều gì thực sự nổi bật trong 9 tháng.
Tiếp đến, sàn HNX đón nhận ba cổ phiếu có mức tăng giá đều trên 300% là ALV của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng ALV, MIM của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Cơ khí và SHS của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội.
Theo Bình An/NDH
>> Bà Lại Thị Hoàng Yến bán chui cổ phiếu QCG do lỗi đánh máy?