Tận dụng EVFTA thu hút đầu tư, hỗ trợ từ EU: Cần duy trì được “niềm tin”!

Dù việc thu hút đầu tư, hỗ trợ từ EU kể từ khi EVFTA được thực thi có xu hướng tăng, nhưng thời gian tới chúng ta cần phải tiếp tục duy trì được “niềm tin”.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ từ EU trong hơn hai năm vừa qua, đồng thời đưa ra những giải pháp và khuyến nghị trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Thu hút đầu tư, hỗ trợ từ EU - Những điểm nhấn từ khi EVFTA có hiệu lực

Theo quan điểm của cá nhân ông, đâu là những điểm nổi bật trong hoạt động thu hút đầu tư từ EU của Việt Nam sau hai năm thực thi EVFTA?

Ông Nguyễn Anh Dương: Theo quan sát, tôi thấy có những điểm nổi bật quan trọng nhất trong việc thu hút đầu tư từ EU. Đó là tình hình thu hút đầu tư diễn biến tương đối tích cực. Chúng ta thấy các số liệu đều cho thấy đầu tư đăng ký mới từ khu vực EU vào thị trường Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. Sự gia tăng này thể hiện không phải chỉ ở tổng số vốn, mà còn thể hiện được quy mô trung bình của các dự án.

Chúng ta có những thống kê cho thấy là quy mô vốn trung bình của các dự án đăng ký mới từ EU đã có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây và khoảng trên dưới 12 triệu đô/dự án. Đây là mức cao hơn so với bình quân chung và so với giai đoạn trước khi có EVFTA.

Điều này cho thấy bước đầu EVFTA đã giúp cho Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn vào Việt Nam phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị sau khi đã ban hành Nghị quyết 50 vào năm 2019, về các định hướng mới thu hút đầu tư nước ngoài gắn với việc sàng lọc và tập trung thu hút các dự án có chất lượng. Tôi nghĩ đây là một chủ trương rất phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Bên cạnh những điểm nhấn về thu hút đầu tư, ông đánh giá thế nào về việc hợp tác chuyển giao công nghệ và những sự giúp đỡ của EU đối với Việt Nam thời gian qua?

Ông Nguyễn Anh Dương: Theo tôi, nguồn vốn bổ sung từ phía EU không phải chỉ từ vốn đầu tư mà nó còn có hỗ trợ từ kênh Chính phủ với Chính phủ. Tức là EU và các Chính phủ của các nước thành viên EU cũng đã có những hỗ trợ về kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực đáp ứng được những tiêu chuẩn cả về thương mại, đầu tư mà phía EU cần.

Chúng ta thấy trong thời gian vừa qua Việt Nam nói rất nhiều về câu chuyện thẻ vàng với EU chẳng hạn. Có lẽ đến thời điểm này Việt Nam vẫn đang còn phải trao đổi với phía EU để có thể tháo gỡ được vấn đề này. Thế nhưng, thực tế cho thấy mặc dù có thể quá trình tháo gỡ còn cần phải trao đổi thêm, nhưng ít nhất từ phía Việt Nam, từ phía nhận thức của các cơ quan, từ phía doanh nghiệp đều hiểu rằng cuộc chơi với EU không phải chỉ là câu chuyện chi phí rẻ mà còn là câu chuyện gắn với tiêu chuẩn, gắn với ý thức để đóng góp phát triển bền vững. Đấy là nơi những dòng tiền của EU, những hỗ trợ của EU cũng đã giúp chuyển giao kỹ năng và giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan của Việt Nam điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tương thích, hiện đại hơn.

Chúng ta đều biết, việc thực hiện EVFTA gắn với giai đoạn, bối cảnh mà chúng ta đang xử lý tác động tiêu cực của đại dịch Covid. Trong bối cảnh ấy những kết quả đạt được còn phải được nhìn nhận một cách tích cực hơn nữa. Điểm đáng nói là khi Việt Nam gặp những khó khăn về các đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ tư từ giữa năm 2021 thì Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) là một trong những hiệp hội nước ngoài rất tích cực trong việc đối thoại với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chia sẻ những sáng kiến, những đề nghị có tính chất xây dựng để Việt Nam có những cân nhắc mạnh mẽ hơn đối với việc chuyển đổi cách tiếp cận từ phòng, chống dịch Covid theo mục tiêu kép sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid một cách bền vững hơn.

Đấy là những nội dung cho thấy quá trình hợp tác không phải chỉ từ doanh nghiệp với doanh nghiệp, từ Chính phủ với Chính phủ mà kể cả từ Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những sự chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kỹ năng và thực tiễn, để từ đó hai bên có những hiểu biết hơn về góc nhìn của nhau cũng như tạo dựng được một môi trường đầu tư kinh doanh tương đối tương đối thuận lợi, bền vững.

Điều quan trọng nhất - Cần duy trì được “niềm tin”

Trước những biến động về tình hình kinh tế xã hội của EU, thời gian tới chính sách hợp tác và xu hướng đầu tư của EU sẽ có tác động thế nào với các nước nói chung và với Việt Nam nói riêng, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dương: Trước những nguyên nhân liên quan đến xung đột địa chính trị, theo tôi phía EU - từ cấp Chính phủ cũng như các doanh nghiệp thời gian tới sẽ có những xu hướng để thúc đẩy hoạt động đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Và sự chuyển hướng của nhà đầu tư từ EU sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ là một xu hướng lớn.

Chúng ta cần lưu ý, ngay cả trong bối cảnh 2 năm dịch Covid vừa qua thì chúng ta thấy EU cũng rất nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do mà họ có với Việt Nam cũng như một số ít các thị trường khác. Điều đó cho thấy bản thân EU cũng đang nhìn nhận giá trị của các Hiệp định thương mại tự do và các đối tác có không có trực tiếp với EU. Điều đấy cũng có nghĩa là khi mà họ tìm đến một địa điểm đầu tư mới thì các địa điểm thị trường có nhiều mạng lưới các FTA với các đối tác khác cũng sẽ là một điểm cộng để nhà đầu tư EU đến đây là có thể tận dụng những ưu đãi về thuế, ưu đãi về quy tắc xuất xứ để từ đó xuất xuất khẩu sang các thị trường khác.

Một xu hướng đầu tư nữa của các nhà đầu tư EU là gắn với tiêu chuẩn phát triển bền vững. Bởi EU không quá coi trọng câu chuyện giá rẻ hay công nghệ thấp, mà họ nhìn nhận hơn câu chuyện đáp ứng yêu cầu của khách hàng và đó là câu chuyện gắn với ý thức, gắn với phát triển bền vững, gắn với tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Những biểu hiện gần đây nhất, ví dụ như câu chuyện về thỏa thuận xanh của phía EU hay là cơ chế thuế điều chỉnh biên giới carbon mà EU cũng đang nghiên cứu chẳng hạn cũng là những nhân tố có thể ảnh hưởng đến cuộc chơi thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi vì chúng ta một mặt phải tìm cách bảo đảm các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không gắn với phát thải nhiều. Mặt khác chúng ta và phía EU cũng đều không muốn các nhà đầu tư các nước khác ở những nơi phát thải nhiều họ chạy sang Việt Nam, chỉ vì ở Việt Nam dễ xuất khẩu vào EU hơn. Đấy cũng là câu chuyện để chúng ta nhìn nhận rộng hơn tiêu chuẩn làm thế nào để thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng được tiêu chuẩn của Việt Nam nhưng cũng phải phù hợp với sản phẩm của đối tác mà Việt Nam đang phục vụ.

Để tận dụng EVFTA thu hút đầu tư, hỗ trợ từ EU chúng ta cần duy trì được niềm tin
Để tận dụng EVFTA thu hút đầu tư, hỗ trợ từ EU chúng ta cần duy trì được niềm tin

Theo ông, trong thời gian tới chúng ta cần có những hành động cụ thể gì nhằm thúc đẩy và thu hút nguồn lực từ các nước EU?

Ông Nguyễn Anh Dương: Thứ nhất, tôi nghĩ đầu tiên phải nói là Việt Nam và EU, từ cấp các Chính phủ với Chính phủ và cấp doanh nghiệp với doanh nghiệp thời gian qua cũng đã tạo được niềm tin đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid. Chúng ta đã cùng đi qua thời kỳ khó khăn và giữ được niềm tin với nhau thì trong bối cảnh mới, khi mà chúng ta ra khỏi đại dịch và hướng tới những bối cảnh mới rõ ràng một yêu cầu vẫn rất quan trọng, đấy là duy trì được niềm tin giữa hai bên.

Theo tôi, Việt Nam không nhất thiết phải nỗ lực làm mọi thứ để hoàn hảo nhất. Bởi vì không có cái gì hoàn hảo cả, nhưng cùng làm, cùng tháo gỡ trên cơ sở cùng học hỏi từ phía EU và tạo được niềm tin về phía EU là mình cũng đang có những chuyển biến đúng hướng. Tích cực là một điểm nhà đầu tư EU, cũng như các đối tác từ phía EU sẽ ghi nhận và sẽ cùng phối hợp với Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta cũng cần phải lưu ý hơn là việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng là một điều kiện không phải chỉ tốt cho doanh nghiệp từ phía EU mà kể cả đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung.

Để làm được điều đó, một mặt chúng ta cần phải có những cải cách mới liên quan đến tạo dựng những mô hình kinh tế mới. Ví dụ như cá nhân tôi đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực mà chúng tôi đề xuất có thể liên quan đến những lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và vật liệu xây dựng. Những cơ chế thử nghiệm như vậy nó gắn với kinh tế tuần hoàn, mà chúng ta biết EU rất quan tâm đến câu chuyện phát triển bền vững và đi đầu trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Đấy cũng là những hướng Việt Nam tạo dựng khung chính sách phù hợp với nhà đầu tư EU để họ đến đây cùng làm và cùng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

Một nội dung nữa cũng rất quan trọng với môi trường đầu tư kinh doanh, đấy là làm thế nào để tạo được một hệ sinh thái cho hoạt động của doanh nghiệp, của nhà nhà đầu tư EU.

Ví dụ như câu chuyện về hoạt động phân phối gắn với logistics. Chẳng hạn, liệu chúng ta có nên cân nhắc một cách tích cực về việc mở cơ chế mở cho nhà đầu tư EU tham gia vào các hoạt động phân phối dược phẩm hay không.

Đối với các doanh nghiệp, ông có những lưu ý gì để họ nâng cao năng lực nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của EU?

Ông Nguyễn Anh Dương: Tôi nghĩ mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đang học hỏi từ phía EU, nhưng các doanh nghiệp của chúng ta cũng nên nâng cao năng lực. Quá trình nâng cao năng của  doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải tự làm. Bởi, khi ký kết EVFTA thì phía EU nói là đây là hiệp định có tham vọng nhất mà EU đã ký với một nước đang phát triển - tức là họ nhìn nhận Việt Nam là một nước đang phát triển và họ sẵn sàng có hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

Vì vậy, doanh nghiệp phải biết đang còn yếu những vấn đề gì và chủ động đề xuất với Bộ Công Thương hoặc thông qua các hiệp hội để kiến nghị với phía EU có những hỗ trợ kỹ thuật cho mình. Đó là cách ngắn nhất để mình đi được con đường với các đối tác EU.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...