Thanh khoản giảm mạnh, công ty chứng khoán tung chiêu “đặt lệnh, trúng xe”

Trước xu hướng giảm điểm và dòng tiền “mất hút” trên thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã tung ra các chương trình “kích cầu”. Trong đó, Công ty CP Chứng khoán SSI đưa ra chương trình quay số trung thưởng với giải cao nhất là 1 xe ô tô Vinfast Lux SA Premium.
Giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây chỉ loanh quanh ở mức trên dưới 10.000 tỷ đồng mỗi phiên
Giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây chỉ loanh quanh ở mức trên dưới 10.000 tỷ đồng mỗi phiên

Theo đó, các nhà đầu tư mở tài khoản tại SSI khi đặt lệnh thành công sẽ nhận được một phiếu bốc thăm trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng. Thời gian áp dụng chương trình đến 30/11/2022.

Việc SSI tung ra chương trình đặt lệnh, trúng xe cho thấy động thái của các sàn giao dịch chứng khoán trong nỗ lực kéo các nhà đầu tư trở lại giao dịch. Bởi thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đã liên tiếp đón nhận những phiên giảm điểm, thanh khoản sụt giảm rất mạnh.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, chỉ số VN giảm tiếp 8,3 điểm và lùi về mốc 1.078,14 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trong vòng hơn một năm rưỡi qua (kể từ phiên 2/2/2021, với hơn 1.075 điểm). Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index cũng đã giảm gần 30%.

Thị trường giảm điểm khiến không ít nhà đầu tư lao đao, thua lỗ và bắt đầu rời bỏ thị trường. Các nhà đầu tư còn ở lại cũng có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi khiến thanh khoản thị trường sút giảm. Các phiên giao dịch tỷ đô đã không còn, thay vào đó giá trị giao dịch chỉ loanh quanh ở mức trên dưới 10.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, áp lực bán trên thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu xảy ra vào tháng 4/2022 do hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine và lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cũng trong tháng 4/2022, Việt Nam đã tiến hành điều tra xung quanh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu đầu cơ, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Điều này đè nặng lên tâm lý thị trường chung, khiến chỉ số VN-Index giảm 23% xuống 1.172 điểm vào giữa tháng 5 và kéo thanh khoản xuống dưới 15.000 tỷ đồng. Thanh khoản tiếp tục giảm xuống mức thấp 7.966 tỷ đồng (-51,1% so cùng kỳ) vào cuối tháng 7 do lãi suất tăng, không có room tín dụng và lạm phát gia tăng.

Trong quý 3/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự bi quan từ các chỉ số vĩ mô toàn cầu khi số liệu lạm phát vẫn cao ở nhiều nền kinh tế phát triển, buộc các Ngân hàng Trung ương phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, dù thanh khoản thị trường chứng khoán hiện nay sụt giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng sự chuyển dịch này là hoàn toàn bình thường, đồng thời điểm tích cực là mức thanh khoản này vẫn cao hơn trước khi dịch COVID-19 diễn ra.

Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM trong tháng 9/2022 đạt hơn 213.400 tỉ đồng, giảm 63% so với tháng cuối năm ngoái, nhưng vẫn tăng 275% so với tháng 9-2019 khi đại dịch chưa bùng phát.

Đã qua thời kỳ mua đâu thắng đó, nên ông Vũ cho rằng nhà đầu tư mua bán cổ phiếu cần cẩn trọng hơn, "đãi cát tìm vàng", kể cả khi thị trường rơi vào xu hướng giảm nhưng nếu biết chọn đúng cổ phiếu thì vẫn có thể kiếm được lời.

"Trong một thị trường không tốt thì vẫn có ngành tốt, trong một ngành không tốt vẫn có công ty tốt. Nhà đầu tư tìm hiểu câu chuyện riêng của từng ngành và từng doanh nghiệp, từ đó chọn cổ phiếu tốt cho mình", ông Vũ cho hay.

Khoảng 70.000 tỷ đang “nằm chờ” cơ hội giải ngân

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tám tháng đầu năm nay đã có 2,1 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 6,4 triệu tài khoản, tương đương 6,4% dân số Việt Nam, về đích sớm hơn ba năm so với mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đạt 5% dân số đầu tư vào chứng khoán vào năm 2025.

Còn theo dữ liệu từ FiinGroup, tính tới hết nửa đầu năm nay có khoảng 70.000 tỉ đồng tiền mặt vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán, chờ cơ hội thuận lợi để giải ngân.

Có thể bạn quan tâm