Thị trường chứng khoán đỏ lửa, Thông tư 02 chưa phải trợ lực?

Thị trường chứng khoán biến động mạnh ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, tuy nhiên Thông tư này dường như chưa tạo được hiệu ứng tích cực lên thị trường chứng khoán...
thông tư 02

Các thông tin hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước vào ngày hôm qua đã không tạo được nhiều hiệu ứng như mong đợi cho thị trường chứng khoán ngày hôm nay. Thậm chí thị trường còn rực lửa, chỉ số VN-Index giảm 6,51 điểm.

Ở phiên giao dịch sáng ngày 25/4, thị trường chưa có nhiều biến động mạnh, sắc xanh có phần chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng các bluechip phân hóa khiến VN-Index chỉ có được mức tăng nhẹ.

HPG tăng 1,94%, NVL tăng 1,07% là đáng kể trong rổ VN30, trong khi đó chỉ số chỉ có thêm VCB tăng 0,46% nhờ lợi thế vốn hóa. Cổ phiếu thép tăng đều, ngoài HPG, có thêm HSG tăng 2,05%, NKG tăng 3,25%, POM tăng 2%. Nhưng nhóm cổ phiếu này không đóng góp nhiều cho thị trường vì đa số thanh khoản nhỏ, vốn hóa bé. 

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 169 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 0,61 điểm (+0,06%), lên 1.041,97 điểm. 

Tuy nhiên, đà tăng nhẹ đã không giữ được khi kết phiên chiều ngày 25/4/2023, VN-Index giảm 0,63%, tương đương 6,51 điểm, đưa chỉ số xuống mốc 1.034,85 điểm. Trong đó có đến 247 mã giảm, 58 mã đứng giá và 119 mã tăng. 

Nhóm VN30 giảm 9,13 điểm, tương đương 0,87% về mức 1.037,04 điểm. HNX-Index giảm 1% về mức 204,69 điểm, UPCoM tăng 0,12% lên 77,99 điểm.

Trên sàn HOSE, giá trị giao dịch đạt 8.561,01 tỷ đồng tăng 1.377,42 tỷ đồng so với phiên trước, độ rộng thị trường với 266 mã giảm chiếm 63,18%, 104 mã tăng chiếm 24,70%. 

Trên sàn HNX, giá trị giao dịch đạt 1.127,84 tỷ đồng, tăng 363 tỷ đồng so với phiên trước. Độ rộng thị trường với 110 mã giảm/53 mã tăng.

Nhóm ngân hàng đồng loạt đỏ lửa, trong đó LPB giảm 2,2%, STB giảm 2%, TCB giảm 1,7%, EIB giảm 1,6%, VIB giảm 1,5%, CTG giảm 1,4%, VPB giảm 1%

Top 10 cổ phiếu góp sức tăng mạnh cho chỉ số ngày hôm nay là LSS, PSH, HAH, VOS, HTN, CSM, DHM, KHG, CCL, THG. Trong khi đó top 10 cổ phiếu giảm mạnh là CTS, VDS, ORS, AGR, QBS, FTS, TGG, VID, BSI, DCL

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm điểm.

Thị trường chứng khoán biến động mạnh ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. 

Tuy nhiên Thông tư này dường như chưa tạo được hiệu ứng tích cực lên thị trường như kỳ vọng.

Hầu hết các chuyên gia đánh giá, Thông tư 02 sẽ có tác động tích cực tới nhóm ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng dễ triển khai hơn, từ đó nhiều khách hàng sẽ được hưởng lợi từ Thông tư hơn.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, Thông tư mang hướng nới lỏng hơn so với Dự thảo cũ, giúp các tổ chức tín dụng dễ triển khai hơn, từ đó nhiều khách hàng sẽ được hưởng lợi từ Thông tư hơn. Bên cạnh đó, áp lực lên lợi nhuận của ngân hàng cũng sẽ được giảm bớt khi ngân hàng vẫn được hạch toán lãi dự thu và có thể được giãn chi phí dự phòng ra 2 năm.

Theo đó, trong dự thảo mới, khách hàng được cơ cấu thời hạn nợ gồm khách hàng mà tổ chức tín dụng đánh giá là có doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc hoặc theo hợp đồng thỏa thuận, không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với khoản nợ vi phạm pháp luật. 

Như vậy, Thông tư cho phép hạch toán lãi dự thu với các khoản nợ nhóm 1 được cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ.

Với trích lập dự phòng, xác định số tiền dự phòng cụ thể phải bổ sung theo công thức = A-B. Nếu số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung lớn hơn 0: Đến 31/12/2023 trích lập tối thiểu 50% số dự phòng phải trích; Đến 31/12/2024 trích lập đủ 100%. Phương án mới này cho phép các ngân hàng trích dần chi phí dự phòng trong 2 năm, giúp giảm áp lực trích lập dự phòng lên ngân hàng so với dự thảo cũ.

Hay như chứng khoán VNDirect đánh giá, ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Thông tư 02 đã bổ sung cho phép giãn/hoãn nợ đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, một lĩnh vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất còn ở mức cao và thu nhập suy giảm (bản dự thảo chưa bao gồm các khoản vay tiêu dùng). 

Việc giãn thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng giúp tăng hiệu quả của Thông tư được ban hành, vì các chính sách đưa ra sẽ cần một thời gian để làm quen và thực thi. 

Thông tư này nhìn chung sẽ làm giảm áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024. Thông tư sẽ có tác động tích cực nhất đến các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp phát triển bất động sản cao trong danh mục tín dụng (TCB: 26%; VPB: 14%), doanh nghiệp xây dựng (LPB: 11%, OCB: 9%), và vay tiêu dùng (FE Credit của VPB, HD Saison của HDB,...). 

Vì hiện tại các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro nợ xấu cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh “an toàn” hơn (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm này.

Có thể bạn quan tâm