Tổng thống Trump đe áp thuế nhôm thép, chứng khoán Mỹ lao dốc

Lo ngại sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết nước này sẽ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, chứng khoán Mỹ lại giảm trên diện rộng phiên 1/3 và là phiên giảm thứ ba liên tiếp.
Tổng thống Trump đe áp thuế nhôm thép, chứng khoán Mỹ lao dốc

Chỉ số công nghiệp Dow Jones “bốc hơi” 420,22 điểm, tương đương 1,7%, còn 24.608,98 điểm, trong đó các blue-chip giảm 586,64 điểm xuống mức đáy trong phiên, chủ yếu do cổ phiếu hãng Boeing lao dốc.

Chỉ số S&P 500 mất 36,16 điểm, tương đương 1,3%, xuống 2.677,67 điểm, do các cổ phiếu ngành công nghiệp, công nghệ và tài chính kéo điểm số. Mức giảm diễn ra trên diện rộng khi tất cả 11 ngành của chỉ số này đều kết phiên trong sắc đỏ.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq sụt 92 điểm, tương đương 1,3%, xuống 7.180,56 điểm.

Cả 3 chỉ số khởi đầu tháng 3 giảm mạnh nhất trong vòng 3 tuần. Chỉ số Nasdaq giảm xuống dưới mức trung bình động 50 ngày là 7.173,41 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua tháng 2 ảm đạm khi chỉ số Dow Jones mất 4,3%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong vòng hơn 2 năm và kéo giảm mức tăng của chỉ số này trong vòng 12 tháng qua xuống còn 20%.

Chỉ số Dow Jones đã để tuột mất thành quả tăng từ đầu năm khi giảm 0,5%, còn chỉ số S&P 500 chỉ còn tăng nhẹ 0,2% tính từ đầu năm. Sáng nhất là chỉ số Nasdaq khi còn giữ được mức tăng 4%.

Thị trường chứng kiến đà tháo chạy của các tài sản được coi là rủi ro sang trái phiếu, thể hiện ở việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về 2,80% từ mức 2,91% trước đó 1 ngày. Đây là phiên lợi suất giảm mạnh nhất kể từ 5/9/2017.

Cùng với đà bán tháo của cổ phiếu, chỉ số Cboe Volatility, hay còn gọi là chỉ số đo lường sự sợ hãi ở Phố Wall, phiên thứ Năm tăng mạnh 23% lên mức đỉnh 2 tuần là 24,76 điểm.

Tâm điểm của thị trường trong phiên là Tổng thống Trump tuyên bố với các lãnh đạo doanh nghiệp ngành thép và nhôm tại Nhà Trắng rằng ông sẽ áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng này vào tuần tới. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm.

Việc áp thuế nhập khẩu sẽ khiến cho giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, và dẫn tới sự trả đũa từ các nước khác, theo đó càng làm dấy lên lo ngại về lạm phát vốn đang tăng tốc ở Mỹ.

Sau tuyên bố này, cổ phiếu của các công ty ngành nhôm và thép tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu U.S. Steel bật tăng 5,8%, cổ phiếu Nucor tăng 3,3% và cổ phiếu Century Aluminum tăng 7,5%.

Trong khi đó ngày 1/3, Hiệp hội Thép của Đức đã lên tiếng chỉ trích quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thép của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần có động thái đấu tranh và chống lại biện pháp đơn phương này.

baomoi.com/s/c/25114647.epi https://baomoi.com/s/c/25114647.epi

Có thể bạn quan tâm

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu đã ngừng vận chuyển trực tiếp hàng hoá từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn sau khi “ngoại lệ de minimis” chấm dứt, từ đó khiến hàng chục nghìn sản phẩm hiển thị trên website bị đánh dấu là hết hàng…

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...