Trứng bỏ nhiều giỏ!

Người Việt vốn đã hay lo xa. Làm doanh nghiệp lại càng phải biết lo xa. Mỗi khoản đầu tư được coi như một “quả trứng vàng bỏ giỏ” để ra lợi nhuận.
Trứng bỏ nhiều giỏ!

Người khôn không bao giờ chơi “tất tay” trong một cuộc chơi. Đó là chân lý, là chiếc “neo” giúp họ đu qua vực xoáy trong những giai đoạn khủng hoảng.

Năm 2020 (và có thể cả năm 2021 nữa) đúng là khoảng thời gian kinh hoàng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Con COVID-19 vô hình xuyên qua thời gian, không gian, địa hình... âm thầm phá hủy cả thế giới. Nó không chỉ khiến gần 3 triệu người ra đi mãi mãi, hàng trăm triệu người bị virus ghé thăm, gây ra sự hoảng loạn tột cùng mà còn làm đứt gãy các chuỗi cung ứng cho nền kinh tế toàn cầu.

Nào ta cùng "giải cứu"

“Ngó sơ” vào hai trong các sản phẩm độc đáo nhất của Việt Nam là nông sản và du lịch đã thấy sự tai hại của con virus vô hình có tên gọi COVID-19. Người Việt vốn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong hoạn nạn. Vì thế “giải cứu” là hai từ quen thuộc nhất trong giai đoạn này. Giải cứu dưa hấu, thanh long miền Trung; rau, củ Hải Dương, cam sành Hà Giang...

Năm ngoái, sau khoảng thời gian đóng cửa ngồi im chờ dịch đi qua, khi tình hình tạm êm thì cả nước tập trung giải cứu hàng không, giải cứu cho những phòng khách sạn, nhà hàng đã chỉ còn thoi thóp thở của Đà Nẵng và các điểm du lịch khác. Những chuyến bay yêu thương, những con tàu chở niềm hy vọng, những vòng quay bánh xe rộn ràng nhằm Đà Nẵng đi tới.

Đùng cái, Đà Nẵng thành tâm dịch, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và làm chao đảo cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đòn chí mạng này đã khiến cho nhiều cơ sở kinh doanh du lịch – khách sạn khắp cả nước dường như không còn gượng dậy được nữa. Riêng ở “rốn” du lịch Đà Nẵng, nhiều chủ khách sạn đã phải ngậm ngùi đóng cửa tắt đèn, để khách sạn bốc mùi hôi vì không lấy đâu ra tiền chi trả cho hệ thống vận hành.

Không ít người vừa mới hơn năm trước còn là doanh nhân có máu mặt, căn cứ vào số lượng sở hữu phòng lưu trú hạng sang, nay đã phải đánh tiếng nhượng lại cơ sở cho người nào còn dày vốn. Mỗi lần đánh tiếng là mỗi lần giá chào tụt xuống một bậc. Những khách sạn nhỏ, chỉ có trên dưới chục phòng thì trước dịch đã lẹt đẹt chạy phía sau vì không cạnh tranh được với những khách sạn lớn – với chiếc áo mới và hiện đại, nay bị biến hành nhà trọ rẻ tiền hoặc đắp chiếu nằm im, chờ khách mua lại.

Giải cứu nông sản thì dễ chứ giải cứu hàng ngàn, hàng chục ngàn cơ sở lưu trú vốn trông đợi vào khách ngoại là chính thì khó. Quy luật muôn đời. Con trâu già sắp kềnh sẽ xuất hiện bầy kền kền đứng chực sẵn. Đó là nhìn ở góc độ tiêu cực. Ở góc nhìn khác thì những người sẵn tiền mặt, tìm đúng điểm rơi để mua lại các cơ sở lưu trú được gọi là “lực lượng giải cứu đặc biệt”, vì nhờ có họ, những tài sản lớn được sang tay chủ mới, được quản lý, gìn giữ để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của nó. Rồi đây thị trường khách sạn – du lịch sẽ được sắp xếp lại với những tên tuổi mới trên những location mãi cũ.

Vừa là chủ lại vừa là con nợ

Công bằng mà nói, dân Việt phần lớn ăn tiêu biết dè xẻn, ăn bữa nay luôn lo cho bữa mai nên hơn 1 năm qua, kinh tế dù có khốn đốn vì dịch, nhiều gia đình vẫn không bị rơi vào cảnh đói kém. Đó là công của các bà nội trợ biết lo xa và thu vén. Nhưng - cũng lại công bằng mà nói, các quý ông thường có tầm nhìn xa trông rộng hơn các quý bà. Họ biết trông giỏ bỏ thóc và lúc này, những chiếc giỏ đó đã thực sự phát huy tác dụng.

Tôi biết một số chủ đầu tư được ví như “sói già phố Wall”. Họ gần như chỉ xuất hiện khi khủng hoảng tới. Họ có những bài toán kinh doanh mà người bình thường nghe qua thấy thật “kinh dị”. Những bà vợ của những ông chồng kiểu này không hiểu nổi chồng mình vì sao lại “dở hơi” đến thế: Vừa giao vợ giữ sổ tiết kiệm lại vừa lập hồ sơ vay ngân hàng, làm đòn bẩy tài chính cho những cơ sở kinh doanh. Lãi suất gửi vào thì thấp mà lãi suất vay kinh doanh thì cao – đích thị loại “dở hơi biết bơi”, để cho “bọn” ngân hàng ngồi đó mà ung dung hưởng lợi!

Anh Mai – một đại gia bất động sản ở Đà Nẵng, Hội An – không ngại ngùng khi tôi hỏi về kinh nghiệm đứng vững trong khủng hoảng: “Sau một thời gian tích cóp được một lượng vốn kha khá, tôi chia chúng thành các gói khác nhau: Giao vợ quản lý 20 tỷ đồng gửi tiết kiệm trong ngân hàng – lãi suất dài hạn trên 8%/ năm; để 1 triệu USD trong ngân hàng với lãi suất gần như bằng 0 (để xử lý khủng hoảng nếu có hoặc xuống tiền đầu tư khi có cơ hội); lập hồ sơ vay ngân hàng 30 tỷ đồng để mua đất, xây các vila làm home stay.

Lợi nhuận thu được từ đó không chỉ là “mỡ nó rán nó”, đủ trả lãi và một phần gốc hàng tháng mà còn có thêm tiền mặt để bỏ vào một“giỏ”mới. Ngày ngày anh ung dung đạp xe đi khắp phố cổ và vùng phụ cận, như một tay rỗi việc. Thế rồi dịch ào đến, khách du lịch vắng bóng, nhà cửa bỏ không...

Việc đầu tiên là anh bán triệu USD và gom thêm tiền mặt để trả hết tiền vay ngân hàng. Trước thời gian Hà Nội phong tỏa, anh lái xe đưa vợ con từ Hà Nội vào Hội An, nghỉ ngơi trong villa của gia đình. Bọn trẻ vô lo nên thấy cực kỳ sung sướng khi cả nhà có kỳ nghỉ dài và thoải mái. Chỉ có anh là vẫn âm thầm nghe ngóng tình hình để có những quyết sách đúng lúc và hợp thời.

Khoảng thời gian này chính là thời điểm để anh bắt đầu nhúc nhích. Một khoản vay mới đang được hình thành, trong đó có một khoản được bứt ra để “nó tự trả lãi và một phần gốc” cho khoản vay đó. Bài toán tài chính này chỉ dành cho những “con sói già” có máu liều. Có vậy mới kiếm được “miếng to”!

Bà nội trợ chia tiền vào từng giỏ!

Trứng bỏ nhiều giỏ! ảnh 1

Tôi có một người bạn làm ăn rất giỏi. Chị ấy giống như con sông mềm lặng lẽ chảy ra biển khơi, ít người biết đến. Không biết chị mang mệnh gì mà yêu nhà đất như mẹ yêu con, lại đánh đâu thắng đó. Đôi chục năm trước, cứ vị trí đẹp, có khả năng tạo dòng tiền và tăng giá trị là chị nhắm tới. Đến hồi người ta thích chung cư thì có lẽ gần trăm căn đã qua tay chị rồi mới đến tay người khác. Khi về hưu, chị theo các con sang Úc sinh sống. Tình yêu nhà đất dạt dào trong máu khiến những ngôi nhà gia đình chị sở hữu bên Úc đều là những căn nhà trong mơ. Khách thuê hay mua luôn sẵn sàng trả giá cao hơn mặt bằng trong khu vực.

Hai năm trước, chị bỏ hơn 20 tỷ đồng mua trái phiếu Vinfast, lãi suất tới 9,6%/ năm, thời hạn 3 năm. 1 căn hộ 5 sao trên bãi biển Đà Nẵng đem lại cho chị 350 triệu tiền lãi mỗi năm để phục vụ cho chi tiêu và nhu cầu nghỉ ngơi của gia đình.

Những căn hộ cho thuê khác đều làm phận sự của nó là đẻ ra trứng vàng. Nhà cửa bên Úc cũng “mỗi căn mỗi việc”. Chị bảo giờ là lúc nghỉ ngơi rồi, không còn thời gian và sức lực để làm “kẻ đi săn” nữa. Tôi thầm nghĩ, chị không đi “săn” nhưng tài sản của chị vẫn tiếp tục sinh lời. Chị đã đạt được Tự do tài chính đúng nghĩa của nó. Nhưng đại dịch COVID-19 ập đến, lôi tuột khách hàng ra khỏi những căn hộ đang cho thuê của chị cũng như kéo sập thị trường du lịch – khách sạn. Bị kẹt lại bên Úc, khoảng thời gian “chỉ ngồi nhà cũng là có trách nhiệm với cộng đồng”, chị tranh thủ sửa sang nhà cửa, trồng thêm hoa, học chơi piano... Tôi hỏi: “Chị có sốt ruột khi nhà cửa bỏ trống và dòng tiền bị đóng lại không?”. Chị thản nhiên: “Chị đã bỏ trứng vào nhiều giỏ rồi... Chỉ tính riêng nguồn tiền đẻ ra từ trái phiếu Vinfast, cuối năm đã có hơn 2 tỷ đồng lãi tự động chảy vào tài khoản tiết kiệm. Với lại, theo quy luật, sau khủng hoảng, thị trường sẽ bật dậy như lò xo để lấy lại những gì đã mất”.

Thực tế của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây cho thấy, các doanh nghiệp do nữ doanh nhân điều hành thường có khả năng đứng vững cao hơn các doanh nghiệp do nam giới điều hành. Đó là bởi nữ giới có tài thu vén, chi tiêu tiết kiệm. Họ phát huy năng lực quản lý kinh tế chính từ vai trò nội tướng của gia đình. Tuy nhiên, một thực tế khác đáng ghi nhận là, khả năng bật dậy của các doanh nhân nam lại thường cao hơn doanh nhân nữ bởi họ có tầm nhìn xa hơn và quan trọng là họ có “máu liều” hơn doanh nhân nữ trong những thời khắc mang tính quyết định.

Bài học được rút ra là, dù có tầm nhìn xa, mạnh tay xuống tiền như các quý ông hay tài thu vén như các quý bà thì việc bỏ trứng vào nhiều giỏ luôn là kinh nghiệm quý báu để bảo vệ dòng tiền, nhất là trong những thời điểm kinh tế bấp bênh như giai đoạn này.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…