Từ hồ sơ Paradise đến thế giới tài chính “ngầm”

Chỉ trong vòng hơn 1 năm, sự xuất hiện của Hồ sơ Paradise tiếp tục là “cú trời giáng” cho ngành tài chính thế giới từ sau sự kiện Hồ sơ Panama.
Từ hồ sơ Paradise đến thế giới tài chính “ngầm”

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng được cho là có tên trong Hồ sơ Paradise như: Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross, Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị, tỷ phú Nga Alisher Usmanov, ca sĩ Bono của nhóm U2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil Henrique de Campos Meirelles, Bộ trưởng Ngoại giao Uganda Sam Kutesa...

Hàng loạt những “ông lớn” được nêu tên trong hồ sơ này đang mở ra một góc nhìn mới về thế giới tài chính “ngầm” của giới siêu giàu cũng như cách mà họ đang thực hiện để ngày càng trở nên giàu có hơn.

Nơi cách che giấu tài sản của giới siêu giàu

Mặc dù, lượng dữ liệu bị rò rỉ trong Hồ sơ Paradise nhỏ hơn so với trong Hồ sơ Panama nhưng giới chuyên gia đánh giá, “chất lượng” thông tin trong hồ sơ này “cao cấp” hơn hẳn.

Giới phân tích cũng khẳng định rằng, với quy mô thông tin quá đồ sộ, hồ sơ này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để giải mã nhưng khi được công bố, đó sẽ là những thông tin “động trời” mang đến vô số những những rắc rối cho những người có liên đới và có khả năng làm chao đảo toàn bộ nền tài chính thế giới.

Hiện, hồ sơ Paradise đã công bố “cơ bản” những giao dịch tài chính ngầm của các nhân tố “máu mặt”, từ giới chính trị như Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross, Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị cho đến các doanh nghiệp lớn như Thương hiệu thể thao đình đám Nike, hãng Google hay Apple…

Theo hồ sơ này, 10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) tiền riêng của Nữ hoàng Anh đã được đầu tư vào một quỹ chưa từng được công bố ở Cayman Islands. Một phần tiền của bà cũng đã đầu tư cho một doanh nghiệp bán lẻ bị cáo buộc đã bóc lột các gia đình nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Đồng thời, một số thông tin chỉ rõ tình trạng trốn thuế của các công ty đa quốc gia như Nike và Apple hay như mạng lưới trốn thuế tinh vi của hai tỉ phú người Nga đã mua cổ phần trong các câu lạc bộ bóng đá Arsenal và Everton….

Thông qua Hồ sơ Paradise, thế giới đang “tiệm cận” gần hơn với những khu vực "dung túng" những người trốn thuế và cả những chiêu trò tinh vi, phức tạp mà các tập đoàn đa quốc gia giàu có nhất thực hiện để “chôn vùi” tài sản của họ.

Toàn bộ những hồ sơ thuế bị rò rỉ được tập hợp trong Hồ sơ Paradise là thành quả điều tra của báo Đức Süddeutsche Zeitung cùng Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế, hợp tác với các báo Guardian, BBC và New York Times.

Thúc đẩy giới chính trị “vá lành” lỗ hổng luật pháp

Ngoài việc phơi bày những cách lách luật đầy tinh vi của giới siêu giàu thế giới, Hồ sơ Paradise cũng phản ánh “góc khuất” của hệ thống pháp luật tài chính thế giới, là lỗ hổng mà chính phủ các nước khó có thể can thiệp.

Với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, thông tin này sẽ khiến họ phải đưa ra những sắc lệnh chính trị cứng rắn hơn bởi cả hai nhà lãnh đạo này đều cam kết chặn đứng tình trạng trốn thuế của giới siêu giàu.

Từ cuối năm 2016, Chính phủ Anh đã có hàng loạt các hành động nhằm vào giới siêu giàu nước này khi một thống kê của Văn phòng kiểm toán tối cao Vương quốc Anh (NAO) cho biết, khoảng 6.500 người giàu nhất nước này đã sử dụng nhiều chiêu né thuế để thu lợi 1,9 tỷ bảng Anh, tương đương 2,3 tỷ USD. Trong số 1,9 tỷ bảng tiền thuế này, 1,1 tỷ bảng đã “biến mất” nhờ các biện pháp né thuế vốn rất phổ biến ở tầng lớp siêu giàu.

Cơ quan Hải quan và Thuế vụ Hoàng gia Anh (HMRC) đã tiến hành điều tra hơn 2.000 người có tài sản từ 20 triệu bảng trở lên. Điều đáng nói chính là, công cuộc điều tra không nhằm mục đích truy tố tội danh trốn thuế mà đi sâu vào những thủ thuật né thuế và kẽ hở trong cách diễn giải luật thuế phức tạp của nước này.

Với Uỷ ban Châu Âu, ngay khi Hồ sơ Paradise được công bố, Phó Chủ tịch Valdis Dombrovskis đã phát đi thông điệp rằng, tổ chức này sẽ phải làm nhiều hơn nữa để chống lại tình trạng trốn thuế.

Các quan chức Liên minh Châu Âu cũng cho biết, trong nhiều tháng qua, các quốc gia Châu Âu đã lên kế hoạch nhằm đạt được một thỏa thuận liên quan đến “Black List” về những nơi trú ẩn về thuế cho doanh nghiệp vào cuối năm nay.

Phía EU cũng gấp rút bàn nhiều biện pháp nhằm chống trốn thuế như ngăn chặn việc xác định lợi nhuận tại các quốc gia Châu Âu không đánh thuế hoặc đánh thuế thấp. Cho đến này, EU đã có trong tay danh sách các cơ quan Châu Âu ít hợp tác về vấn đề thuế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cho “cuộc cách mạng” thuế này. Đơn cử, tiêu chí xác định những nơi “trú ẩn” về thuế giữa các nước Châu Âu hiện vẫn còn rất khác nhau. Một số nước còn muốn “lờ” đi việc xét xử những cái tên có trong danh sách đen của nước mình dù họ chính là đối tượng đang phải chịu chỉ trích vì những chính sách cạnh tranh thuế không công bằng.

1/3 giới siêu giàu ở Anh đang bị điều tra vì đóng thuế quá ít. Nhà chức trách Anh ước tính khoảng 15% người siêu giàu ở nước này sử dụng ít nhất một phương thức né thuế.

Năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã xác định “danh tính” của 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có khả năng liên quan lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và các cá nhân trốn thuế nhưng phản ứng của một số nước EU thì lại nằm gọn trong hai chữ “e dè”.

Hồ sơ Paradise chỉ là một trong mảnh ghép của thế giới tài chính ngầm. Các phóng viên điều tra của nhiều hãng thông tấn đình đám đang ráo riết giải mã lượng thông tin này nhưng để có thể “public” toàn bộ với công chúng thì có lẽ vẫn cần phải “ngó nghiêng” động thái từ giới chính quyền các nước.

Bởi chỉ khi không có sự can thiệp chính trị, không có sự ảnh hưởng của quyền lực liên quan thì tảng băng vốn đang “chìm” lại bất ngờ “nổi” này mới có thể phát huy hết tác dụng, trở thành vũ khí đả kích mạnh mẽ nhất giới siêu giàu để biến họ trở thành những người đóng góp tích cực nhất vào ngành thuế của thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…