VAFI nhắc lại thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo "Nhà nước không đi bán bia, bán sữa và phải bán cổ phần theo nguyên tắc đạt hiệu quả cao nhất". Tuy nhiên, VAFI cho rằng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã không thực hiện đúng theo tinh thần đó khi triển khai bán vốn tại Vinamilk.
Cụ thể, mới đây SCIC đã công khai phương án bán vốn tại Vinamilk theo nhiều đợt, lần đầu bán 9% vốn điều lệ. "Đây là phương án hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán cổ phiếu VNM sẽ rất thấp.
Việc chia thành nhiều đợt sẽ gây thất thu cho nhà nước khoảng 1 tỷ USD nếu so sánh với bán hết một lần gần 45% vốn điều lệ vì đã loại nhiều nhà đầu tư chiến lược đang muốn tham gia", VAFI cảnh báo.
Cụ thể, theo VAFI, nếu Nhà nước bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Vinamilk sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vì được nắm giữ cổ phần chi phối, có quyền điều hành doanh nghiệp nhưng chưa phải tuyệt đối vì số cổ đông còn lại dễ dàng phủ quyết tại đại hội cổ đông nếu như có chính sách đi ngược lại lợi ích của họ.
Ngoài ra, các nhà đầu tư tài chính mới cũng tham gia đấu giá khiến lượng cầu có thể gấp nhiều lần so với phương án của SCIC. "Muốn mua được toàn bộ lô gần 45% cổ phần Vinamilk, nhà đầu tư chiến lược phải bỏ giá cao hơn giá thị trường. Nếu giá không cạnh tranh thì có thể không mua được hoặc mua không trọn vẹn, từ đó phương án mua bán sáp nhập (M&A) không thành công hoặc phải mất thêm nhiều tiền để mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư khác trên thị trường", VAFI tính toán nếu bán hết vốn dự kiến giá đấu thành công không thấp hơn 25% so với giá niêm yết.
Như vậy, Nhà nước sẽ thu về 5 tỷ USD từ đợt bán vốn này. Trong trường hợp SCIC chia nhỏ bán theo nhiều đợt, các nhà đầu tư lớn là các tập đoàn sữa lớn sẽ bị loại ra vì khi mua họ không có quyền chi phối, ít quyền quản trị doanh nghiệp. Sự quan tâm đến thương vụ sẽ bị giảm đi. VAFI lấy ví dụ, F&N Dairy Investment là một cổ đông hiện hữu của Vinamilk với 11% vốn điều lệ.
Nếu mua thêm 9% thì họ sẽ nâng sở hữu 19%, tương ứng việc chi phối công ty nhiều hơn. Phương án này vô tình có lợi cho F&N, giúp họ dễ dàng thành cổ đông mà không mất nhiều chi phí. Từ đó, nhà đầu tư chiến lược khác sẽ e ngại trong việc tham gia các đợt bán vốn sau.
Thực tế, dù room ngoại được cổ phần Vinamilk nâng lên 100% gần đây nhưng sở hữu hiện tại có xu hướng giảm xuống chỉ còn 48%. Với các nhà đầu tư nội, rất ít có khả năng tham gia vì quy mô vốn nhỏ, chưa thể hấp thụ được hết lượng vốn thoái tại Vinamilk. VAFI dự báo nhu cầu mua cổ phần Vinamilk đợt đầu không nhiều, giá thắng thầu chỉ bằng hoặc nhỉnh không đáng kể so với thị trường, hiệu ứng bán vốn không lan toả nhiều. Giá trị thu về khoảng 800 triệu USD.
Ở lần bán thứ 2, nếu SCIC bán toàn bộ 35% vốn còn lại thì độ hấp dẫn vẫn không thể bằng bán lô gần 45%, tuy nhiên, bù lại SCIC có thể thu được nguồn lợi cổ tức. Hiện cổ phiếu VNM đang được giao dịch ở mức 145.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hoá đạt khoảng 206.000 tỷ đồng, tương đương gần 9,3 tỷ USD.
Theo Bạch Dương/Vneconomy