Vì sao cải tạo chung cư cũ của Hà Nội vẫn... ì ạch?

Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội mới chỉ có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại. Một con số khiêm tốn so với nỗ lực cải tạo cảnh quan đô thị của Hà Nội.
Vì sao cải tạo chung cư cũ của Hà Nội vẫn... ì ạch?

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 nhà chung cư cũ cần cải tạo lại, có quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử. Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội đã có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại.

Việc cải tạo xây dựng mới từ nhà chung cư cũ trên vị trí cũ của từng tòa nhà dẫn đến không thể thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị toàn khu, không khai thác được không gian đô thị và hệ thống giao thông cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội đô thị.

Về vấn đề này, Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án khung, cơ chế chính sách cải tạo chung cư cũ, mang tính tổng thể hơn. Không chỉ đề xuất cơ chế chính sách mà cả giải pháp. Đề án mới còn có phương án tái định cư cho các nhà ở riêng, trụ sở cơ quan.

Thành phố Hà Nội cũng thành lập Tổ Chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ. Nhằm nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố. Đồng thời, hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố do Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND thành phố lấy ý kiến của HĐND thành phố, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai.

TP. Hà Nội cũng vừa thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tuy nhiên, vấn đề của việc cải tạo chung cư cũ nằm ở chỗ cần phải hài hoà được lợi ích đa bên gồm nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Và nguyên nhân khiến vấn đề này không thể được giải quyết từ đó đến nay vẫn là nguồn vốn ngân sách thành phố còn hạn hẹp; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của thành phố chưa được người dân đồng thuận, nhất là các hộ ở tầng 1.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội, muốn cải tạo chung cư cũ cần hợp chung 5 yếu tố để đánh giá: Kiểm định an toàn của chung cư; chất lượng sống ở các khu chung cư; môi trường sống, gắn với hạ tầng kỹ thuật xung quanh; vị trí của các khu chung cư (hiện 1.579 chung cư ở 76 vị trí khác nhau, cần rà soát, thống kê, phân tích để đặt vấn đề điều chỉnh quy hoạch); cần tính đến giá trị văn hoá của các chung cư cũ này, đặt vấn đề những công trình có giá trị về kiến trúc, giá trị về văn hoá…

Về nguyên nhân tại sao việc cải tạo chung cư cũ vẫn dậm chân tại chỗ bao nhiêu năm nay, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, hiện chúng ta đang mong muốn hài hoà quyền lợi của 3 bên gồm nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nhưng then chốt vẫn là sự quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. “Đó là chìa khoá. Nếu có sự quyết liệt, đổi mới cơ chế thì sẽ làm được”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Có thể bạn quan tâm