Việt – Séc: Phấn đấu kim ngạch thương mại lên 1 tỷ USD

Trao đổi thương mại Việt - Séc hiện đang rất rộng mở, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Mục tiêu trao đổi thương mại Việt - Séc ở mức 1 tỷ USD trong thời gian tới sẽ sớm thực hiện được.
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hoà Séc
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hoà Séc

Nhận định này đã được ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Séc diễn ra mới đây tại Hà Nội. Diễn đàn do Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội và VCCI phối hợp tổ chức.

Ông Khương cho biết, ttrải qua gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Séc đã luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt.

Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt mức 307 triệu USD. Tính đến nay, Séc có 35 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 91,3 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng... Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.

Theo ông Khương, số liệu trên là rất đáng khích lệ trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, con số trên còn rất nhỏ so với tiềm năng của hai nước và cần phải phấn đấu hơn nữa để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu song phương.

Cũng theo ông Khương, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Séc hiện đang rất rộng mở, nhất là khi EVFTA có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sang EU, nhất là Cộng hòa Séc và từ Séc sang Việt Nam sẽ rất lớn. Đây sẽ là động lực cho sự tăng trưởng thương mại Việt - Séc trong thời gian tới.

Bên cạnh động lực hợp tác song phương, hai bên còn có thể tận dụng hiệu quả hợp tác đa phương. Hiện nay, Séc là thành viên tích cực trong cộng đồng EU. Séc sẽ là cầu nối cho các DN Việt Nam tiếp cận thị trường EU và ngược lại, Việt Nam là cửa ngõ vào cộng đồng kinh tế ASEAN năng động với trên 650 triệu dân.

Ông Richard Brabec - Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Séc cho biết, Cộng hòa Séc không chỉ giới thiệu những ngành nghề truyền thống như kỹ thuật, thực phẩm và công nghệ thông tin mà còn mong muốn quảng bá những sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ môi trường ngày càng được quan tâm tại Việt Nam.

Trong đó, có những lĩnh vực mà Séc đã đạt được nhiều thành công như: cung cấp các thiết bị cho nhà máy thủy điện cỡ nhỏ, mía đường, các giải pháp và hệ thống thủy lợi, công nghiệp thủy tinh, pha lê, cát thủy tinh, công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên bằng công nghệ thân thiện với môi trường.

Ngoài việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ và công nghệ, Séc còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng hệ thống quản lý, điều hành giao thông công cộng đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị xanh - thông minh nhằm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn mạng lưới giao thông gây ô nhiễm không khí.

“Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020. Tôi tin rằng, thỏa thuận này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh của các công ty Séc tại Việt Nam và các nhà xuất khẩu Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, hai bên cần nỗ lực hết sức để thực thi EVFTA có hiệu quả” - ông Richard Brabec nhận định.

Sự kiện được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Séc Richard Brabec, với sự hiện diện của gần 30 đại diện các doanh nghiệp Séc đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm