Cụ thể, theo đơn khởi kiện bổ sung của CTCP Thiết kế Công nghiệp Hóa chất tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tổng giá trị nhà thầu đã thực hiện tương ứng là hơn 22 triệu USD. Giá trị được chủ đầu tư thanh toán là hơn 10 triệu USD. Giá trị còn thiếu và đòi bồi thường Thiết kế Công nghiệp Hóa chất khởi kiện tại VIAC là hơn gần 12,5 triệu USD.
Theo đó, ngày 9/1/2019, TAND Tp Hà Nội đã ra quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Dừng thanh toán bảo lãnh thư tạm ứng đối với số tiền hơn 8,4 triệu USD theo Thư bảo lãnh tiền tạm ứng tại Ngân hàng TCMP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình cho Vinachem để chờ phán quyết của VIAC”.
Ngày 11/1/2019, Vinachem đã gửi đơn khiếu nại cho Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội không chấp nhận đơn khiếu nại của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ngày 20/02/2019, Tòa án Nhân dân TP. HCM cũng ra quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện phong tỏa tài khoản và tài sản của Tập đoàn.
Cụ thể, phong tỏa hơn 12 triệu cổ phần thuộc quyền sở hữu của Vinachem tại CTCP Phân bón Bình Điền (mã: BFC); phong tỏa tài khoản của Vinachem tại Chi nhánh Ba Đình của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tổng giá trị bị phong tỏa là hơn 13 triệu USD.
Cũng trong tháng 2/2019, VIAC chi nhánh Hồ Chí Minh đã đưa ra thông báo về vụ tranh chấp giữa Vinachem với Công ty TNHH Đại Chúng TTCL và Công ty TNHH TTCL Việt Nam. Theo đó, hai nguyên đơn đã yêu cầu Vinachem thực hiện giá trị tranh chấp bao gồm Công ty TNHH Đại chúng TTCL yêu cầu hơn 110,4 triệu USD, Công ty TNHH TTCL Việt Nam yêu cầu hơn 18,3 triệu USD.
Đến tháng 4/2019, TAND TP.HCM ra quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện phong tỏa tài khoản và tài sản của Vinachem. Theo đó, phong tỏa hàng loạt cổ phần thuộc quyền sở hữu của Vinachem: 24 triệu cổ phiếu BFC ; 10 triệu cổ phần tại CTCP Bột giặt Lix (mã: LIX) và 7,5 triệu cổ phần tại CTCP Hóa chất Việt Trì (mã: HVT). Tổng giá trị tính theo thị giá tại ngày 4/4 của số cổ phiếu bị phong tỏa kể trên vào khoảng 1.425 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Vinachem đạt 21.336 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng đồng thời tăng 8% và 4,5% lần lượt ở mức 1.342 tỷ và 1.253 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinachem giảm mạnh 40,4% còn 218,7 tỷ đồng. Đáng nói, phần lợi nhuận thuộc về công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 28,5 tỷ đồng, còn lại hơn 190 tỷ đồng là cổ đông không kiểm soát.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng nguồn vốn của Vinachem là 55.737 tỷ đồng, riêng nợ vay là hơn 26.600 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt 14.050 tỷ đồng và 12.697 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn của Vinachem đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 2.697 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn còn âm 2.721 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán cũng đưa ra kết luận ngoại trừ và nhấn mạnh về một số khoản vay của Vinachem đã quá hạn thanh toán có dư nợ gốc 668,9 tỷ đồng, lãi quá hạn, lãi phạt chậm tương ứng 336 tỷ đồng.