Trong cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục đem về doanh thu lớn nhất với 1.682 tỷ đồng, chiếm 81,5% doanh thu thuần, mặc dù giảm so với năm 2017. Trong khi đó, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến đem về 313 tỷ đồng, chiếm 15,2%, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet với 32,7 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ nhạc chờ với 16,2 tỷ đồng, doanh thu bán hàng bất ngờ giảm từ 38,7 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái xuống còn 8,4 tỷ đồng 6 tháng năm nay.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 74 tỷ đồng. Song chi phí tài chính tăng gấp đôi; chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi; cộng với phần lỗ trong công ty liên kết 99 tỷ đồng 6 tháng đầu năm nay, dẫn đến 6 tháng qua, lợi nhuận sau thuế VNG đạt 244 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo cũng cho thấy, dù khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Tiki liên tiếp thua lỗ song VNG vẫn rót thêm vốn vào công ty này. Cụ thể, khoản giá trị đầu tư vào Tiki của VNG thời điểm cuối năm 2017 là 384,4 tỷ đồng. Ngày 18/4/2018, VNG tiếp tục đầu tư thêm 121,8 tỷ đồng vào Tiki theo hợp đồng mua cổ phần mới phát hành giữa công ty và Tiki. Tính đến thời điểm 30/6/2018, tổng giá trị đầu tư vào Tiki là 506,2 tỷ đồng.
Năm 2017, VNG ghi nhận khoản thua lỗ tại Tiki là 219 tỷ đồng. 6 tháng năm 2018, khoản lỗ này tiếp tục tăng thêm 102 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2018, VNG ghi nhận khoản lỗ tại Tiki là 321,2 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị khoản đầu tư còn lại của VNG tại Tiki chỉ còn 185 tỷ đồng.
Trước đó, đầu năm 2016, VNG đã chi 384,4 tỷ đồng để mua 38% Tiki, tương ứng giá mua lên đến 104.300 đồng một cổ phiếu. Mức giá mà VNG đã mua tương ứng với việc định giá Tiki lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (tương đương 45 triệu USD), đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những startup đắt giá nhất hiện nay.
Hiện tại, Tập đoàn VNG nắm giữ 28,88% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tương ứng của Tiki.
Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của VNG đạt 4.364 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với hồi đầu năm.
Phần lớn tài sản của VNG tập trung ở tiền gửi ngân hàng với tổng cộng 2.462 tỷ đồng, trong đó 291 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 590 tỷ đồng tiền gửi không quá 3 tháng và 1.580 tỷ đồng là tiền gửi kỳ hạn từ trên 3 tháng tới dưới 1 năm.
Theo Vneconomy