Trong phiên giao dịch sáng này (13/2), cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG tiếp tục tăng trần lên mức 1.027.400 đồng/cổ phiếu, vượt qua mức 847.000 đồng/cổ phiếu năm 2007 của cổ phiếu BMC; vượt mặt mức đỉnh 665.000 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu "ông lớn" công nghệ FPT (năm 2007). Đây đã là phiên thứ 9 liên tiếp cổ phiếu này tăng kịch trần.
Như vậy, thị giá VNZ đã trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm đến mức trên 1 triệu đồng/cổ phiếu.
Nhờ chuỗi tăng liên tiếp này, vốn hóa thị trường của VNZ đã vượt ngưỡng 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD. Khi thị giá cổ phiếu tăng mạnh đồng nghĩa với việc giá trị tài sản của các cổ đông lớn cũng "phình to".
Việc sở hữu 9,84% cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của CEO VNG Lê Hồng Minh đã vượt 3.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.700 tỷ từ đầu tháng 2.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý, thị giá cổ phiếu VNZ tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 4/2022 và lũy kế cả năm 2022 của VNG lại kém hiệu quả. Năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG.
Trước nhiều nghi hoặc đồn đoán, ngày 10/2/2023, phía VNG đã gửi công văn giải trình tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Công ty này cho biết, việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên từ ngày 1 - 7/2/2023 hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong cũng thời điểm.
Thêm vào đó, phía VNG cũng khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường và không có bất kỳ biên động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.