Vòng tái đàm phán NAFTA mới sẽ tiếp tục trong vài tuần tới

Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton thông báo vòng tái đàm phán Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới sẽ tiếp tục trong vài tuần tới.
Vòng tái đàm phán NAFTA mới sẽ tiếp tục trong vài tuần tới

Đại sứ cho biết một thỏa thuận mới về ôtô có thể mở khóa cho các cuộc tái đàm phán vốn bị dừng lại từ cuối tháng 5 vừa qua.

Phát biểu ngày 20/7, Đại sứ MacNaughton nói rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán NAFTA sẽ tiếp tục trong vài tuần tới vì cả Canada, Mỹ và Mexico đã tiến "rất gần" với một thỏa thuận mới về ôtô trong vòng đàm phán cuối cùng.

Ông MacNaughton nêu rõ: "Thỏa thuận mới về lĩnh vực ôtô sẽ là chìa khóa để mở các nút thắt trong các cuộc đàm phán còn lại... Có lẽ là cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám, chúng tôi sẽ trở lại bàn đàm phán."

Đại sứ MacNaughton nhận định từ quan điểm của Mỹ, vấn đề với NAFTA là thâm hụt thương mại lớn, trong đó, thâm hụt thương mại lớn nhất là từ ngành ôtô và liên quan đến Mexico.

Hiện Mexico đã sẵn sàng nhượng bộ, chấp nhận tăng đáng kể các tiêu chuẩn lao động và tiền lương cho công nhân trong lĩnh vực ôtô - vấn đề mà cả Canada và Mỹ đang thúc đẩy.

Theo Đại sứ Canada tại Mỹ, vấn đề lớn nhất của NAFTA hiện nay chỉ còn là “điều khoản hoàng hôn.”

"Điều khoản hoàng hôn" do phía Mỹ đề xuất yêu cầu cả ba nước cứ năm năm một lần đàm phán lại hiệp ước thương mại, nếu không, thỏa thuận sẽ tự động hết hạn. Chính vì điều khoản này, cùng với một số quy định liên quan đến xuất xứ ôtô, mà sau 7 vòng đàm phán giữa Mỹ, Canada và Mexico vẫn còn nhiều bất đồng.

Hồi cuối tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hủy bỏ một cuộc họp được đề xuất với Tổng thống Mỹ Donald Trump để hoàn tất các cuộc đàm phán sửa đổi NAFTA, sau khi Nhà Trắng khẳng định Thủ tướng Trudeau đồng ý với một điều khoản hoàng hôn.

Ông Trudeau nhấn mạnh đây là điều kiện “hoàn toàn không thể chấp nhận” và Chính phủ Canada sẽ không đồng ý với “điều khoản hoàng hôn” bởi các doanh nghiệp cần hoạt động ổn định sau khi đầu tư dài hạn và việc đưa ra điều khoản cứ 5 năm một lần sẽ gây ra bất ổn.

Trong một diễn biến liên quan, vào tuần tới, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland sẽ tới Mexico City, cùng với Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau và Bộ trưởng Đa dạng Thương mại Quốc tế Jim Carr để thảo luận về NAFTA.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra lời đe dọa sẽ theo đuổi các thỏa thuận song phương với Mexico và Canada. Tuy nhiên, Đại sứ MacNaughton khẳng định Mexico sẽ không quan tâm đến một thỏa thuận song phương với Mỹ.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi NAFTA vốn đã tồn tại hơn 20 năm trước khi chính thức yêu cầu đàm phán sửa đổi và nâng cấp nội dung hiệp định.

Dù các quan chức tham gia đàm phán đã nỗ lực để đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mexico ngày 1/7, nhưng những yêu cầu "khó" của phía Mỹ như tăng số lượng ôtô thuộc diện miễn thuế đã cản trở đáng kể tiến trình này.

Hoạt động đàm phán càng thêm bế tắc sau khi Mỹ tuyên bố áp dụng các biện pháp áp thuế nhập khẩu nhôm và thép mới với nhiều đối tác thương mại, trong đó có cả Canada và Mexico, và vấp phải những biện pháp đáp trả của các nước này./.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…