Xuất hiện “sóng” từ nhiệm của các chủ tịch, giám đốc doanh nghiệp niêm yết

Các doanh nghiệp niêm yết đang chứng kiến một trong những làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao lớn nhất từ trước đến nay trong vòng nửa đầu năm qua, đặc biệt ở nhóm bất động sản...

Xuất hiện “sóng” từ nhiệm của các chủ tịch, giám đốc doanh nghiệp niêm yết

Nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm bất động sản, đang trải qua đợt "thay máu" thượng tầng lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Dù đưa ra nhiều lý do khác nhau, nhưng nhìn chung, tình trạng biến động thượng tầng tại nhóm này diễn ra trong bối cảnh bức tranh kinh doanh chưa có nhiều tươi sáng.

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã chứng khoán: VCG) vừa thông qua đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với ông Đào Ngọc Thanh kể từ ngày 26/7/2024. Ông Thanh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân vì tuổi cao và phải điều trị bệnh dài ngày.

Đồng thời, Vinaconex bầu ông Nguyễn Hữu Tới, Thành viên Hội đồng quản trị đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty nhiệm kỳ 2022 – 2027 kể từ ngày 26/7/2024.

Được biết, ông Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex từ năm 2019. Dù rút khỏi Hội đồng quản trị, nhưng ông Thanh sẽ chuyển sang vị trí mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược.

Theo Vinaconex, Hội đồng Chiến lược có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty; đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển Tổng Công ty.

Cùng thời điểm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) thông báo đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Trọng Thông.

Trong đơn xin từ nhiệm, ông Thông cho biết: “Nay vì tuổi tác, sức khoẻ và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, tôi muốn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng không tham gia Hội đồng quản trị công ty nữa. Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi Hội đồng quản trị. Tôi đã bồi dưỡng, xây dựng được lực lượng kế nhiệm và đã có ý kiến trong 2 kỳ Đại hội thường niên năm 2022 và 2023”.

Trước đó không lâu, ông Lương Trí Thìn cũng rời ghế Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG). Tương tự Vinaconex, Hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Xanh quyết định thành lập Hội đồng chiến lược và thống nhất giao ông Lương Trí Thìn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch.

Trong khi đó, bà Huỳnh Bích Ngọc xin rút lui khỏi vị trí Chủ tịch Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã chứng khoán: SCR) với lý do theo nguyện vọng cá nhân. Bà Ngọc từng giữ vị trí Phó chủ tịch và mới trở lại vị trí Chủ tịch từ năm 2022.

Bà Huỳnh Bích Ngọc cũng vừa từ nhiệm vị trí Chủ tịch Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa - TTC AgriS (mã chứng khoán: SBT) vào giữa tháng 7 vừa qua và giao lại cho con gái là bà Đặng Huỳnh Ức My.

Không “chia tay êm đềm” như các Chủ tịch nêu trên, một số lãnh đạo chọn cách rời đi chỉ sau khoảng thời gian điều hành ngắn ngủi vì bất đồng quan điểm hay tự cảm thấy không phù hợp.

Vào đầu tháng 7, ông Phạm Văn Tuyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 11 (mã chứng khoán: SJE) đã có đơn từ nhiệm sau 1,5 năm đảm nhận chức vụ. Lý do ông Tuyền xin từ nhiệm là do ông nhận thấy trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc được giao và định hướng phát triển công ty.

Hay vào tháng 6 vừa qua, tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) , Hội đồng quản trị đã thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Thanh Sơn kể từ ngày 3/6 sau chưa đầy 5 tháng nhận nhiệm vụ.

Hay Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - mã chứng khoán: HPX) cũng đã thông báo miễn nhiệm ông Đoàn Hòa Thuận khỏi vị trí Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân, với lý do có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành Công ty nên ông Thuận không thể tiếp tục thực hiện và tham gia vào các công việc của Tổng Giám đốc.

Ông Đàm Mạnh Cường tháng 4/2024 có đơn xin từ nhiệm vị trí tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - mã chứng khoán: TDH) vì tự thấy không đáp ứng tiêu chí của Hội đồng quản trị mới, kết thúc hơn 2 năm hành trình điều hành doanh nghiệp bất động sản.

Cùng giai đoạn, Thuduc House cũng miễn nhiệm nhiều chức vụ. Đáng chú ý nhất là vị trí Thư ký Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc của bà Văn Thị Huệ với lý do không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm trong công việc.

Không riêng bất động sản, nhiều công ty ở các lĩnh vực khác cũng thay đổi lãnh đạo cấp cao hàng loạt, có Dược Hậu Giang, Fecon, Lộc Trời và mới nhất là Dược Cửu Long.

Riêng tại Dược Cửu Long (mã chứng khoán: DCL), ông Lương Trọng Hải cho biết thời gian tới vì một số lý do cá nhân nên không thể bố trí thời gian để tham gia đầy đủ các hoạt động công ty trên cương vị Tổng Giám đốc. Theo đó, ông Hải đề nghị được từ chức từ ngày 1/8/2024.

Được biết, ông Hải vừa được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc vào ngày 1/9/2022, sau sự cố dàn lãnh đạo cũ Dược Cửu Long bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Như vậy, ông Hải ngồi "ghế nóng" được gần 2 năm.

Song song, một Thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát và 1 phó tổng Dược Cửu Long cũng vừa từ nhiệm, với lý do tương tự ông Hải. Công ty mới đây đã có Trưởng Ban Kiểm soát mới là bà Nguyễn Thị Thu Hường.

Xem thêm

"Ghế nóng" tại nhiều doanh nghiệp đổi chủ

"Ghế nóng" tại nhiều doanh nghiệp đổi chủ

Thời gian gần đây, loạt doanh nghiệp đã có thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao, trong đó có những lãnh đạo có thời gian gắn bó trên chục năm đã nộp đơn xin từ nhiệm…

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...