Cổ phiếu VJC giảm mạnh 11%, nhóm ngành xây dựng “nổi sóng”

Trong hai phiên giao dịch ngày 15 và 16/3, cổ phiếu VJC của hãng hàng không Vietjet bất ngờ lao dốc mất 10,6% về 117.100 đồng/CP. Nhà đầu tư hào hứng khi HBC bật tăng mạnh tới 15% chỉ sau 5 phiên.
Cổ phiếu VJC giảm mạnh 11%, nhóm ngành xây dựng “nổi sóng”

Cổ phiếu VJC của Vietjet Air bất ngờ "bốc hơi" tới 8.000 đồng/CP trong phiên 15/3

Mở cửa thị trường sáng nay 16/3, cổ phiếu VJC tiếp tục đỏ rực khi giảm về gần sàn 117.100 đồng/Cp sau phiên lao dốc mạnh hôm qua. Cổ phiếu ROS giảm 9,7% về mức 168.100 đồng/CP, HBC giảm còn 54.700 đồng/CP... sau chuỗi ngày tăng chóng mặt. 

Thị trường đang dồn sự chú ý vào mã VJC là “ngôi sao đang lên” trên sàn chứng khoán khi miệt mài tăng liên tục từ mức 108.000 đồng/CP (ngày 28/2/2017) lên mức đỉnh 137.400 đồng/CP phiên 6/3 vừa qua. Tức tăng tới 27,22% chỉ sau 5 phiên giao dịch ấn tượng.

Tuy nhiên ngay sau đó, VJC có xu hướng đi xuống rất nhanh, đến phiên 15/3 thì cổ phiếu này lùi về gần giá sàn chỉ còn 121.500 đồng/CP, giảm tới 8.000 đồng/CP (-6,18%) ngay trong phiên khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Dù vậy, đến thời điểm này, sức “nóng” từ tân binh mới lên sàn VJC của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ Vietjet Air vẫn chưa giảm nhiệt. Giá cổ phiếu VCJ trên sàn giảm mạnh đã khiến giá trị tài sản chứng khoán của bà Thảo giảm 783 tỷ đồng, xuống còn 11.904 tỷ đồng.

Bà Thảo vẫn giữ được vị trí thứ 3 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán, duy trì khoảng cách rất xa so với người đứng thứ 4 là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland – cổ phiếu NVL cũng đang gây “sốt” trên sàn khi tăng mạnh tới 28% kể từ khi niêm yết.

Tới đây, Vietjet sẽ chào bán riêng lẻ 22.388.060 cổ phiếu, bằng 7,46% số cổ phiếu đang lưu hành - cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny với giá 84.600 đồng/CP. Đây là công ty do CEO Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 100% vốn và số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành. Đợt phát hành riêng lẻ sẽ giúp Vietjet tăng vốn điều lệ tăng lên 3.224 tỷ đồng, tổng tỷ lệ sở hữu trực tiếp (9,42%) và gián tiếp qua Hướng Dương Sunny (23,24%) của bà Thảo sẽ tăng lên 37,4%...

Cùng nhóm ngành hàng không, HVN – Tổng công ty Hàng không Việt Nam- CTCP cũng có sự giảm giá mạnh trong 5 phiên liên tiếp gần đây. Chốt phiên 15/3, HVN đóng cửa ở mức 29.800 đồng/CP, giảm tới 9,7% so với giá cao nhất hôm 9/3 vừa qua.

Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp từ mức 51.963 đồng/CP xuống còn 50.456 đồng/CP phiên hôm qua, tức giảm tới 1.600 đồng mỗi cổ phiếu.

Trong khi đó, ở nhóm ngành xây dựng, cổ phiếu HBC- Công ty CP Hoà Bình đã có 4 phiên bứt phá ngoạn mục, tức mức giá 49.200 đồng/CP hôm 9/3 lên mức đỉnh 56.700 đồng/CP trong phiên 15/3. Cuối phiên HBC lùi về mức 55.000 đồng/CP.

Giá cổ phiếu HBC được hỗ trợ bởi thông tin tích cự khi hôm 10/3, Hoà Bình công bố vừa nhận trúng thầu hai gói thầu mới trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, Hòa Bình trúng thầu dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại (Hanoi Aqua Central) do Công ty CP Tháp nước Hà Nội làm chủ đầu tư.

Hòa Bình là nhà thầu chính thi công kết cấu phần thân và xây tô với giá trị hợp đồng khoảng 320 tỷ đồng. Dự án có quy mô 1 khối nhà cao 21 tầng cao và 3 tầng hầm. Hai bên sẽ ký kết hợp đồng chính thức vào giữa tháng 3 và dự kiến hoàn thành gói thầu trong 12 tháng. Ngoài ra, Hòa Bình trúng gói thầu kết cấu và xây tô phần thân dự án Tổ hợp văn phòng – Dịch vụ, thương mại & Nhà ở cao tầng Goldseason, quy mô gồm 3 tòa nhà cao từ 30- 35 tầng với tổng giá trị gói thầu gần 720 tỷ đồng.

Đối thủ cạnh tranh của HBC là CTD – Công ty CP xây dựng Coteccons cũng bất ngờ quay đầu giảm tới 3.000 đồng/CP (-1,5%) trong phiên 15/3 xuống còn 197.000 đồng/CP sau vài phiên hồi phục tăng 6%. Hiện, CTD là cổ phiếu có thị giá cao nhất ở nhóm ngành xây dựng và cũng vào nhóm cổ phiếu “hàng hiệu” có thị giá cao nhất trên sàn cùng với VNM, VJC, ROS…

Cổ phiếu ROS – Công ty CP xây dựng FLC Faros cũng khiến nhà đầu tư “thót tim” khi miệt mài tăng hàng chục phiên để chinh phục đỉnh dốc cao hơn. Sau 20 phiên tăng mạnh từ mốc 140.000 đồng/CP (ngày 9/2/2017), ROS đã chạm đỉnh 117.800 đồng/CP phiên ngày 15/3, tức tăng tới 27% so với đỉnh cũ.

Tuy nhiên, mở cửa phiên hôm nay 16/3, ROS bất ngờ đổ đèo, mất tới 9,4% xuống còn 168.600 đồng/CP. Nhưng chỉ vài phút sau, ROS bật tăng trở lại 3,8% lên mức 174.000 đồng/CP. Liệu mức trần 190.200 đồng/CP có thể được ROS chinh phục lần nữa?

Đóng cửa, sàn HOSE có 103 mã tăng và 141 mã giảm, VN-Index giảm 1,57 điểm (-0,22%) xuống 713,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 139,56 triệu đơn vị, giá trị 3.452,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 9,78 triệu đơn vị, giá trị hơn 295 tỷ đồng.

Sàn HNX giao dịch khá cân bằng, có 80 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,34%) lên 87,45 điểm. Thanh khoản tiếp tục suy giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,61 triệu đơn vị, giá trị 413,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt chưa tới 10 tỷ đồng.

Hải Hà

Có thể bạn quan tâm