Dù lợi nhuận tăng, nhà đầu tư vẫn lo 100 triệu cổ phần chuyển đổi của Gemadept

Gemadept được dự báo sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2017. Tuy nhiên, rủi ro pha loãng cổ phiếu trong quý II/2017 sau khi chuyển đổi trái phiếu là vấn đề khiến HSC thận trọng.
Dù lợi nhuận tăng, nhà đầu tư vẫn lo 100 triệu cổ phần chuyển đổi của Gemadept

 

HSC cảnh báo rủi ro pha loãng cổ phiếu trong quý II/2017 sau khi Gemadept chuyển đổi 100 triệu trái phiếu 

Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), năm 2016, doanh thu mảng hoạt động cảng biển giảm 4% nhưng doanh thu mảng logistic tăng trưởng 12%. HSC ước tính, đã có 1.275 triệu TEU vào các cảng của GMD trong năm ngoái, tăng trưởng 6%. Cụ thể, tại Hải Phòng, cảng Nam Hải Đình Vũ đã tiếp nhận 525.000 TUE (tăng 14%) và cảng này đang hoạt động với 116% công suất thiết kế trong khi đó cảng Nam Hải cũng tiếp nhận 220.000 TEU (giảm 6%) và cảng này cũng đang hoạt động với 147% công suất.

Tại TPHCM, Cảng Phước Long ICD xử lý 530.000 TEU (tăng 6%) và công suất hoạt động đạt mức 106%. Tuy nhiên, ước tính lượng hàng container đông lạnh giảm 50%, do nhu cầu tăng bất thường trước đó giảm. Do đó, mức phí dịch vụ bình quân (đối với cả hàng container thông thường và đông lạnh) giảm 9% vào năm 2016. Đối với mảng logistic, tăng trưởng doanh thu của mảng này phần lớn là nhờ công suất của Trung tâm phân phối tăng 58%.

Năm 2017, HSC dự báo doanh thu của Gemadept sẽ đạt mức 3.845 tỷ đồng (tăng trưởng 3%) và 566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 34% so với năm 2016.

Theo HSC phân tích, doanh thu của mảng hoạt động cảng biển của Gemadept sẽ tăng nhẹ 1,4% đạt 1.657 tỷ đồng. Doanh thu từ logistic sẽ tăng 7% đạt 2.264 tỷ đồng nhờ trung tâm phân phối Hậu Giang đi vào hoạt động và tăng công suất phân phối hàng hóa thêm 15% tính đến cuối năm 2017.

HSC cũng dự báo lợi nhuận khác sẽ là 4 tỷ đồng thay vì lỗ 93 tỷ đồng trong năm 2016 do GMD sẽ không ghi nhận bất kỳ lỗ lớn nào liên quan đến các họa động khác như trong năm 2016.

Ngoài ra, HSC cho biết Gemadept sẽ bán 15% cổ phần còn lại tại GMD Tower ngay trong quý I năm nay. Thương vụ này có thể mang lại 127 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nếu thương vụ bán 15% còn lại được thực hiện, lợi nhuận trước thuế của GMD có thể đạt 769 tỷ đồng, tăng trưởng 60% và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 657 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016.

Rủi ro pha loãng lớn từ trái phiếu chuyển đổi

Hiện tại, giá cổ phiếu GMD trên sàn đã có mức tăng ấn tưởng kể từ đầu năm 2017. Cổ phiếu này đã tăng gần 20% kể từ thời điểm 31/12/2016 và đang được chốt tại mức giá gần 32.000 đồng/cổ phiếu.

Dù vậy, HSC cũng cảnh báo rằng rủi ro pha loãng cổ phiếu là rất lớn, đến từ khả năng chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi hiện tại của GMD. 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi này được phát hành và bán cho VI Fund II, L.P (VI Fund) vào ngày 15/8/2012. Số trái phiếu này có kỳ hạn là 5 năm với lãi suất cố định là 6%/năm và lãi suất được tích lũy trả vào ngày đáo hạn (là ngày 15/8/2017).

Theo các điều khoản hợp đồng, VI Fund có quyền yêu cầu chuyển đổi toàn bộ trái phiếu (bao gồm gốc vay và lãi tích lũy) sang cổ phiếu phổ thông sau một năm từ ngày Hợp đồng mua trái phiếu chuyển đổi có hiệu lực (tức là từ ngày 13/8/2013). Có nghĩa là VI Fund có thể hợp pháp chuyển đổi 40 triệu USD trái phiếu này thành cổ phiếu phổ thông vào bất kỳ lúc nào sau ngày này (một phần hoặc toàn bộ) nếu GMD thông qua.

Tuy nhiên, đến hiện tại, tháng 2/2017, VI Fund chưa thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển đổi nào trong số trái phiếu này. HSC cho rằng, VI Fund có thể chuyển đổi trong Qúy 2/2017.

Tỷ lệ pha loãng theo HSC ước tính là 61%. Giá chuyển đổi được xác định là 88% giá cổ phiếu trên thị trường bình quân từ ngày 15/7 đến ngày 15/8/2012, theo HSC ước tính là khoảng 12.320 đồng/cổ phiếu sau khi điều chỉnh với cổ phiếu thưởng và cổ phiếu ESOP.

Do đó, giá chuyển đổi sẽ là khoảng 10.840 đồng/cổ phiếu. Tính theo tỷ giá 23.695 đồng/USD, ước tính số trái phiếu này sẽ có thể chuyển sang 98,97 triệu cổ phiếu (bao gồm lãi tích lũy), tương đương 35,5% tổng số cổ phiếu của GMD sau chuyển đổi trái phiếu. Vào tháng 8/2015, room cho NĐTNN đã giảm từ 49% xuống 20,4% sau đề xuất chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi và thực tế vào thời điểm đó khối ngoại nắm tổng cộng 20,4% cổ phiếu lưu hành.

Do vậy, để VI Fund II có thể chuyển đổi hết trái phiếu cổ sang cổ phần thì GMD sẽ phải nới room. Năm ngoái, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, vấn đề nới room đã được các cổ đông đề xuất với Ban lãnh đạo Công ty. Ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD lúc đó cho biết, bản thân Công ty mong muốn được mở room để nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn và đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, GMD đang có các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải nội địa như vận tải đường bộ và đường thủy, vốn là lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Theo Hoàng Trung/NDH

Có thể bạn quan tâm