Tiền mới đổ vào thị trường

VN-Index đóng cửa phiên giao dịch 20/11 đã chính thức vượt 900 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 12/2007. Như vậy phải mất 10 năm, TTCK Việt Nam mới quay lại mốc điểm cũ trong khi vốn hóa thị trường đã
Tiền  mới  đổ  vào  thị trường

Ở thời điểm hiện tại vốn hóa sàn HoSE nói riêng đạt 103,7 tỷ USD tăng 58,5% so với cuối năm ngoái nhờ hàng loạt cổ phiếu khủng lên sàn như Vietjet Air (vốn hóa 2,38 tỷ USD), Petrolimex (2,83 tỷ USD), VPBank (2,6 tỷ USD), Vincom Retail (3,7 tỷ USD). Cổ phiếu mới với những câu chuyện mới thực sự đã thu hút được hàng tỷ USD vào thị trường.

Nâng đỡ từ dòng vốn ngoại

Trước đây, khi hàng loạt doanh nghiệp lớn rục rịch IPO và chào bán cổ phiếu ra thị trường, đã có nhiều lo ngại cho rằng với lượng hàng khổng lồ như vậy thì nguồn tiền ở đâu hấp thụ? Thực tế khi triển khai cho thấy, “có bột mới gột nên hồ”, càng nhiều hàng chất lượng được đưa ra thị trường càng thu hút được lượng vốn lớn. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, khối ngoại mua ròng 1 tỷ 426 triệu USD, bao gồm 811 triệu USD trái phiếu và 615 triệu USD cổ phiếu. Theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 10 ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng xấp xỉ 36% so với cuối năm 2016.

Có thể nói năm nay là một năm “hái quả” với những nhà đầu tư theo trường phái giá trị. Với sự giúp sức từ khối ngoại, hầu hết các cổ phiếu có nền tảng tốt, các bluechips đầu ngành và các trụ cột vốn hóa lớn đều có mức tăng điểm ấn tượng.

Chưa một năm nào trong lịch sử 17 năm phát triển thị trường khối ngoại có chuỗi mua ròng dài đến như vậy, điều này đã kéo hàng loạt cổ phiếu thiết lập đỉnh lịch sử. Hòa Phát (HPG) giao dịch ở vùng giá cao nhất 10 năm, MBB tăng 97% từ đầu năm, cao nhất kể từ khi lên sàn, VIC trong một năm qua tăng 81,6% lên cao nhất lịch sử 76.300 đồng/cp, MWG kể từ đầu năm tăng 70,6% lên 136.500 đồng/cp, gấp 6,5 lần kể từ khi chào sàn năm 2014, Vietjet Air chỉ trong 9 tháng lên sàn tăng hơn 90%, đạt mức 120.800 đồng/cp; …

Dragon Capital, quỹ nước ngoài tỷ USD tại Việt Nam đã có một năm không thể thành công hơn. Tính đến ngày 16/11, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) của DC đạt giá trị tài sản ròng 1,422 tỷ USD, tăng 46,4% so với đầu năm. Chỉ trong 1 tuần, danh mục của VEIL tăng hơn 100 triệu USD.

Trong khi đó, PYN Elite, quỹ đầu tư Phần Lan rót gần như toàn bộ danh mục vào thị trường Việt Nam, tính đến 15/11 tài sản ròng đạt 413,6 triệu EUR, tăng 23,8% so với đầu năm. Giám đốc quỹ PYN Elite ông Petri Deryng, nhận định Việt Nam có thể đạt được 1.500 điểm trong 3 năm tới và quỹ này tiếp tục chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm để đầu tư.

Theo tìm hiểu của NDH, hiện tại các quỹ nước ngoài nhận ủy thác quản lý danh mục tại thị trường Việt Nam liên tục được rót vốn mới lên tới hàng trăm triệu USD. Không chỉ dòng vốn từ Châu Âu, Mỹ, nguồn vốn từ Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc cũng đang đổ dồn về Việt Nam như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn.

Nhưng không phải ai trên thị trường cũng hào hứng với đà tăng của Vn-Index. Rất nhiều nhà quản lý quỹ đang vò đầu bứt tai vì mặc dù tỷ suất lợi nhuận của quỹ không tồi nhưng vẫn không theo kịp đà tăng của Vn-Index. Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 33,96%.

Thu hút từ câu chuyện bán vốn

Nếu 10 tháng đầu năm câu chuyện nâng đỡ thị trường là sóng ngành, vốn ngoại và mở room thì những tháng cuối năm câu chuyện bán vốn dồn dập của SCIC đã thực sự thổi lửa cho TTCK.

Sẽ thực sự thiếu sót nếu không nhắc đến Vinamilk và câu chuyện bán vốn của SCIC. CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI là tư vấn trong nước duy nhất bên cạnh UBS của Thụy Sỹ tham gia tư vấn thương vụ bán vốn này.

Khó có thể tưởng tượng được rằng, chỉ trong 1 năm, mức giá 144.000 đồng/cp VNM chào bán cho F&N trong đợt chào bán lần đầu của SCIC lại được coi là “giá hời” khi Tập đoàn Singapore Jardine Matheson thông qua công ty con là Jardine Cycle & Carriage đã chi gần 9.000 tỷ đồng mua toàn bộ cổ phần bán đấu giá đợt 2 của SCIC với mức giá 186.000 đồng/cp (cao 24% so với giá khởi điểm và cao hơn 29% so với giá mua của F&N).

Tiếp sau đó đại gia này tiếp tục mua thỏa thuận cổ phiếu VNM liên tục trên sàn. Chỉ trong 1 tuần, giao dịch thỏa thuận tại VNM lên tới gần 71,5 triệu cổ phiếu, với giá trị thỏa thuận hơn 13.150 tỷ đồng. Cuối tuần qua, Jardine thông báo Tập đoàn này đã chi hơn 1 tỷ USD nắm giữ hơn 10% cổ phần VNM.

VNM sau nửa năm giao dịch lình xình quanh ngưỡng 150.000 đồng/cp ngay lập tức nhảy vọt lên 187.000 đồng/cp, cao hơn mức giá mua vào trong đợt đấu giá của Jardine và tăng 55,8% so với đầu năm. Mức giá này cũng đã đẩy vốn hóa thị trường của VNM lên hơn 11,66 tỷ USD với PE 25,7 lần. Nhưng có vẻ đà tăng của VNM chưa dừng lại khi Jardine để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục mua thêm cổ phần tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam này. Trước đây khi Jardine chưa xuất hiện, trong nhóm cổ đông lớn của VNM, SCIC nắm 36%, F&N nắm 18,74%, sau này khi Jardine nắm giữ 10% chắc chắn sẽ có sự ganh đua trong nhóm cổ đông lớn tại công ty này.

Sau VNM, thị trường tiếp tục đón nhận các thương vụ bán vốn tại hàng loạt Tổng công ty lớn như Vinaconex (VCG), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Domesco (DMC), FPT và sắp tới là Sabeco, Habeco. Sau khi lộ trình cũng như tỷ lệ bán vốn tại các doanh nghiệp này được công bố, giá các cổ phiếu này đều tăng điểm đồng loạt.

Ở thời điểm cách đây 10 năm, khi Việt Nam mở cửa thị trường, tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49%, một lượng vốn lớn vào thị trường nhưng không có nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu tạo thành bong bóng. Nhưng ở thời điểm hiện tại câu chuyện đã khác hơn rất nhiều. Dòng vốn vào thị trường thông qua các thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (ACV, VJC, VPBank..sau khi lên sàn đều tăng mạnh), cơ chế kiểm soát rủi ro tại các công ty chứng khoán đã chặt chẽ hơn rất nhiều, cơ chế giám sát giao dịch nội gián của UBCK và Trung tâm lưu ký cũng như việc ổn định tỷ giá đã giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư. Dòng vốn vay margin từ ngân hàng cũng không đáng lo ngại.

Câu chuyện Việt Nam đang được lan tỏa. Khi màn trình diễn ánh sáng trên cầu Nhật Tân đã được livestream trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cả thế giới cùng theo dõi diễn biến cuộc họp của lãnh đạo của nền kinh tế lớn như Nhật, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Trung Quốc tại APEC Đà Nẵng thì ở đâu đó những bộ óc nhanh nhạy đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Nhận xét về cơ hội của thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC đã từng phát biểu trước hơn 140 nhà đầu tư quốc tế tại sự kiện Gateway to Vietnam do CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI tổ chức rằng, trong thời gian tới có rất nhiều doanh nghiệp lớn với quy mô lớn được cổ phần hóa và tỷ lệ đưa ra đáng kể chứ không còn hình thức như trước. Trong các quyết định thoái vốn của Nhà nước ở các DN đã cổ phần hóa thì cũng rõ ràng về tiến độ và chỉ đạo rất mạnh mẽ, tỷ lệ thoái vốn được công bố công khai. Hai chữ minh bạch là core để thị trường vốn và TTCK phát triển. Điều này có thể thấy rằng thông điệp của Chính phủ là rõ ràng và cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán là rất lớn.

Theo Khổng Chiêm/ NDH

>> Rớt giá thê thảm, doanh nghiệp lũ lượt chi tiền mua cổ phiếu quỹ

Có thể bạn quan tâm