“Vua cá tra” Hùng Vương thua lỗ: Nặng gánh nợ 13 nghìn tỷ

Cổ đông đang bất an khi lợi nhuận của CTCP Hùng Vương (mã: HVG) “bốc hơi” chuyển từ lãi đậm sang lỗ 49 tỷ đồng sau kiểm toán. Hơn nữa, khối nợ 13 nghìn tỷ đồng, mà chiếm tới 93% là nợ ngắn hạn có lẽ đ
“Vua cá tra” Hùng Vương thua lỗ: Nặng gánh nợ 13 nghìn tỷ

Hùng Vương sẽ xoay sở ra sao với khối nợ 13 nghìn tỷ khi bất ngờ báo lỗ, lợi nhuận sa sút?

Tồn kho cao, vay nợ khủng

Tin xấu dồn dập tung ra khiến thị trường càng thêm lo lắng, sau kết quả kinh doanh năm 2016 bất ngờ “đảo chiều” từ lãi thành lỗ, HVG lại có quý 1 làm ăn sa sút. Theo BCTC, lợi nhuận quý 1 của HVG tiếp tục giảm mạnh 76% chỉ còn vỏn vẹn 9,1 tỷ đồng (cho niên độ tài chính tính từ ngày 1/10/2016 đến 30/9/2017). Doanh thu thuần trong kỳ tăng gấp đôi lên 3.060 tỷ đồng, song lợi nhuận gộp lại giảm một nửa chỉ còn 17,8 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá vốn tăng mạnh 58%, chi phí tài chính tăng 36%...

“Vua cá tra” Hùng Vương làm ăn bết bát khiến cổ đông băn khoăn về nguyên nhân thực sự ẩn khuất phía sau số lỗ đáng buồn này?

BCTC cho thấy, trong 3 tháng cuối năm 2016, lượng hàng tồn kho của HVG duy trì ở mức rất cao, có giảm nhẹ từ mức 4.643 tỷ đồng xuống còn 3.978 tỷ đồng cuối tháng 12/2016. Hàng tồn kho đã “ngốn” của công ty hơn 22,3 tỷ đồng để trích dự phòng. Lượng hàng tồn kho của HVG hai năm gần đây luôn duy trì ở mức trên 4.000 tỷ đồng do thị trường diễn biến bất lợi, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà sản xuất. Vì hàng nghìn tỷ đồng vốn bị đọng lại khiến cho dòng tiền của HVG càng khó khăn, kém hiệu quả.

HVG còn đang phải trích dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 409,7 tỷ đồng, mà chủ yếu là từ khách hàng nước ngoài.

Thế nhưng, điều cổ đông lo lắng là quy mô nợ phải trả của HVG ngày càng “phình” to lên tới 13.174 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2016). Trong đó, chiếm tới 93% là nợ ngắn hạn, tương ứng 12.256 tỷ đồng, còn nợ dài hạn “khiêm tốn” ở mức 918 tỷ đồng.

Xét cơ cấu nợ ngắn hạn, các khoản vay và nợ thuê tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 7.438,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2015. HVG cũng đang có nợ phải trả cho người bán hàng hơn 4.292 tỷ đồng, cùng các món nợ khác hàng trăm tỷ đồng…

Với quy mô vay nợ lớn, Hùng Vương có lẽ đang chịu áp lực cân đối nguồn tiền trả nợ không hề dễ dàng. Báo cáo cho thấy, trong năm 2016, công ty đã chi trả nợ gốc vay hơn 5.329 tỷ đồng, tăng 43% so với số trả nợ năm trước. Tính bình quân mỗi ngày HVG đã phải trả nợ gốc vay tới… 14,6 tỷ đồng. Chi phí lãi vay phải trả năm qua là 132 tỷ đồng.

Trong khối nợ này, có hơn 8.336 tỷ đồng là nợ vay và nợ thuê tài chính của HVG tính đến cuối năm 2016, đã được “bơm” từ 13 ngân hàng trong nước và ngân hàng có vốn nước ngoài. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là BIDV với dư nợ cuối kỳ lên tới gần 4.300 tỷ đồng, gồm cho vay, trái phiếu doanh nghiệp dài hạn. Riêng khoản nợ trái phiếu được HVG đảm bảo bằng nhiều cổ phiếu và một bất động sản tại Tp.HCM.

Chủ nợ lớn thứ hai là Vietcombank với dư nợ cuối kỳ còn gần 1.857 tỷ đồng, dư nợ tại VIB là 533 tỷ đồng, Vietinbank là 386 tỷ đồng… Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác gồm Techcombank, OCB, ACB, Saigonbank, TPbank … đang cho HVG vay vốn tín dụng hay đầu tư trái phiếu HVG dài hạn.

Tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hùng Vương hiện ở mức 4,08 lần, nợ phải trả/tổng tài sản là 0,8 lần.

Trong tình cảnh làm ăn thua lỗ, “vua cá tra” Hùng Vương đang chịu áp lực cân đối dòng tiền trả nợ ngắn hạn căng thẳng, liệu các chủ nợ ngân hàng có kế sách gì để “giải cứu” HVG như trường hợp “vua cao su” HAG- Hoàng Anh Gia Lai vừa qua?       

DN báo lãi, kiểm toán chốt lỗ 49 tỷ đồng

Những ngày qua, thị trường bất ngờ khi Hùng Vương phải điều chỉnh số liệu BCTC theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Đã có sự vênh lệch số liệu tài chính rất lớn, như doanh thu hơn 20 nghìn tỷ đồng mà HVG báo cáo bỗng bị “ngót” đi tới 2.000 tỷ sau kiểm toán.

Số liệu lợi nhuận “đẹp như mơ” của HVG bất ngờ biến mất khi kiểm toán EY yêu cầu điều chỉnh lại nhiều chỉ tiêu trọng yếu. Cụ thể, tại BCTC riêng lẻ năm 2016, doanh thu bán hàng sau kiểm toán số liệu bị giảm mạnh 409,3 tỷ đồng, xuống còn 8.721,7 tỷ đồng. Lý do doanh thu từ bán bã đậu nành ghi sai niên độ và 181 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng ao cá (đến ngày 30/9/2016 Công ty chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển nhượng ao cá nên chưa thể ghi nhận doanh thu).

Doanh thu hoạt động tài chính cũng “bốc hơi” 37,2 tỷ đồng, chỉ còn 192 tỷ đồng do điều chỉnh giảm cổ tức được chia từ Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, tăng trích dự phòng thêm 52 tỷ đồng… dẫn tới lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán bị lỗ gần 55,8 tỷ đồng so với số lãi 251,4 tỷ đồng mà Hùng Vương báo cáo.

Còn tại BCTC hợp nhất 2016, Hùng Vương cũng phải điều chỉnh các mục gồm: giảm doanh thu hợp nhất 2.037 tỷ đồng xuống còn 18.026 tỷ đồng, giá vốn hàng bán giảm 1.815 tỷ đồng, chi phí quản lý DN tăng 52 tỷ… Lợi nhuận từ các công ty liên kết, liên doanh cũng giảm 64,5 tỷ đồng do loại trừ lãi phát sinh từ các giao dịch nội bộ chưa được thực hiện phù hợp.

Hùng Vương bị buộc phải loại trừ doanh thu, chi phí phát sinh từ các giao dịch nội bộ với số tiền lần lượt là 1.627 tỷ đồng và 1.627 tỷ đồng chưa được phản ánh phù hợp trước đó. Cùng nhiều khoản mục bị điều chỉnh, như: phải thu ngắn hạn khách hàng giảm hơn 451 tỷ đồng, điều chỉnh khoản phải thu liên quan đến nghiệp vụ bán bã đậu nành và sang nhượng quyền sử dụng ao lần lượt là 228 tỷ và 181 tỷ đồng, tăng khoản phải thu ngắn hạn và phải trả ngắn hạn với cùng số tiền hơn 112 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 177 tỷ đồng...

Những thay đổi này lập tức khiến HVG bị “bốc hơi” gần 367 tỷ lợi nhuận hợp nhất, chuyển từ lãi 308,6 tỷ đồng (báo cáo tự lập) sang lỗ 49,3 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh bết bát này khiến các cổ đông, nhà đầu tư sững sờ. Giá cổ phiếu HVG gần đây lao dốc mạnh, mất tới 32% thị giá và hiện chỉ còn quanh mức 6.050 đồng/CP (phiên ngày 9/3/2017).

Thu Hằng

>> Vua cá tra Hùng Vương bất ngờ lỗ 49 tỷ đồng sau kiểm toán

Có thể bạn quan tâm