4 “ẩn số” của thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2021

Những diễn biến khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là “ẩn số” lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán phải “đau đầu” theo dõi.
4 “ẩn số” của thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2021

Các chuyên gia thảo luận về thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021

Hội thảo “Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2019 – 2021: Cơ hội đầu tư cổ phiếu mới” do Công ty CP Đầu tư Thảo Dược Xanh và Câu lạc bộ Các nhà kinh tế tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua đã “mổ xẻ” nhiều vấn đề được các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm.

Từ phấn khích đến cẩn trọng

TS.Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: TTCK Việt Nam vừa trải qua giai đoạn “từ phấn khích đến cẩn trọng”. Cụ thể, cuối năm 2017, thị trường bước vào giai đoạn phấn khích khi chỉ số VnIndex liên tục bứt phá và đến tháng 3/2018 đã vượt đỉnh lịch sử được thiết lập 10 năm trước đó. Thị trường giao dịch đầy hào hứng với giá trị giao dịch khoảng 7-8 nghìn tỷ đồng, thậm chí có phiên đạt trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh với tâm lý cẩn trọng, giá trị giao dịch trung bình trong 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt tầm 4.000 tỷ đồng/phiên.

“Bối cảnh kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam, những yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán và góc nhìn về từng ngành, từng lĩnh vực chính là 4 “ẩn số” của thị trường trong trung hạn, cụ thể là đến năm 2021”, TS.Võ Trí Thành nhận định.

Theo TS.Võ Trí Thành, những diễn biến của Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là “ẩn số” lớn nhất, khó lường nhất, nhất là khi nó có thể leo thang thành “chiến tranh tiền tệ”. Dù vậy, ông Thành đánh giá nhiều ngành sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến này như xuất khẩu dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông thủy sản, dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp…

Đồng quan điểm này, TS.Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, nhận định: Kinh tế thế giới tăng trưởng nhưng có nhiều dấu hiệu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng như: Căng thẳng địa chính trị khu vực, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá cả hàng hóa thế giới gia tăng… “Điểm sáng” hỗ trợ tích cực cho TTCK chính là sự ổn định của kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất đều ổn định.

“Hiện TTCK Việt Nam có 748 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 839 công ty niêm yết trên sàn Upcom. TTCK đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với vốn hóa thị trường đạt khoảng 4,4 triệu tỷ đồng”, TS.Nguyễn Sơn cho biết.

Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 4,4 triệu tỷ đồng

Từ đầu năm 2019 đến nay, thanh khoản của TTCK sụt giảm, hoạt động đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn có dấu hiệu chậm lại. Tuy vậy, với những chính sách và giải pháp như: Xây dựng Luật chứng khoán thế hệ mới; Tăng cung hàng hóa cho thị trường; Tái cấu trúc thị trường; Cơ cấu lại nhà đầu tư; Nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; Nâng hạng thị trường… TS.Nguyễn Sơn cho rằng TTCK Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.

Cơ hội đầu tư cổ phiếu mới

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thảo Dược Xanh, khiến nhiều nhà đầu tư hứng khởi khi đặt ra câu hỏi “Hiện nay, chúng ta nên đầu tư vào ngành gì?”

Theo vị doanh nhân đã có trên 30 năm kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, cũng đã từng “chết lên, chết xuống” với chứng khoán thì 4 ngành thời thượng hiện nay chính là ngành du lịch – hàng không, ngành dệt may, ngành ứng dụng công nghệ và ngành dược phẩm (bao gồm cả thực phẩm chức năng và đông dược).

Ông Thành lý giải, với ngành du lịch – hàng không, mức tăng trưởng bình quân 3 năm qua đều đạt trên 25%. Nếu như năm 2016, khách quốc tế đến nước ta đạt 10 triệu lượt người thì năm 2017 đã đạt 12,9 triệu lượt người, năm 2018 đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người và dự kiến 2019 sẽ  đạt khoảng 19 triệu lượt người. “Khả năng thu hút 30 triệu lượt khách quốc tế trong vòng 5 năm tới là rất khả thi. Khi đó, các dịch vụ liên quan đến du lịch – hàng không sẽ bùng nổ”, CEO.Đặng Đức Thành nhấn mạnh.

Ngoài 2 ngành khác là dệt may và ứng dụng công nghệ, ông Thành cũng lưu ý các nhà đầu tư quan tâm đến ngành dược phẩm mà cụ thể hơn là các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thực phẩm chức năng và đông dược.

“Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm làm đẹp, chống lão hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe, kéo dài tuổi thọ ngày càng gia tăng. Đây là dư địa rộng lớn cho các ngành thực phẩm chức năng, thực phẩm hữu cơ (Organic), các sản phẩm từ tế bào gốc… đáp ứng tiêu chuẩn “BIO”, có nghĩa là có nguồn gốc từ thiên nhiên, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không có dư lượng kháng sinh…”, ông Thành nhận định.

“Việc đầu tư vào ngành nào đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm bắt chữ “thời” trong kinh doanh thì mới phát triển, phục vụ cộng đồng, xã hội và làm giàu được”, ông Thành khẳng định và khuyên các nhà đầu tư chú ý đến những ngành “thời thượng” luôn có nhu cầu cao và phát triển ổn định, chứ đừng đầu tư vào những ngành đã “hết thời”.

Có thể bạn quan tâm