4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Ngành công nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của TP.HCM, nhưng vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trọng yếu…

Thời gian qua, phát triển công nghiệp, đặc biệt 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM được điều chỉnh dần phù hợp với thực tiễn phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 7,83%

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng (IIP) của ngành công nghiệp TP.HCM đạt trung bình 7,83% trong giai đoạn 2015 - 2020; cơ cấu giá trị gia tăng (VA) 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong toàn ngành công nghiệp tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương tiên phong của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đến nay, thành phố có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%.

Theo số liệu từ UBND thành phố, lũy kế đến tháng 10/2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%; bình quân hàng năm các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng các ngành sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương TP.HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 ước tăng 3% so với tháng trước, và tăng 8,09% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 4 tháng năm 2023, IIP toàn ngành công nghiệp ước tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 2,6%).

4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ảnh minh hoạ

Như vậy, công nghiệp TP.HCM ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo, có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành, IIP 4 nhóm ngành trọng điểm 04 tháng đầu năm 2023 ước tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Nhiều điểm chưa tương xứng

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn còn chưa cao.

Tỷ trọng công nghiệp TP.HCM trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Năm 2010 công nghiệp TP.HCM chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%, giảm 6,68 điểm phần trăm so với năm 2010. Việc giảm tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp cả nước thời kỳ 2011 - 2021 gắn liền với tốc độ tăng trưởng công nghiệp thành phố chậm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả nước.

Đến giai đoạn 2011 - 2015 công nghiệp thành phố tăng trưởng bình quân 5,87%/năm trong khi đó công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,39%. Giai đoạn 2016 - 2021 công nghiệp TP tăng trưởng 2,67%/năm, công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm, cả thời kỳ 2011 - 2021 công nghiệp chỉ tăng 4,11%, công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,07%/năm. Đặc biệt, năm 2021 công nghiệp TP.HCM giảm sâu trong khi cả nước tăng trưởng 4,47%/năm.

Tới năm 2022, đặc biệt trong quý 1/2023, do tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng đang đối mặt với khá nhiều khó khăn nhất định.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, hiện có một số ngành đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước hết là ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa.

Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Hiện TP.HCM cũng là địa phương chiếm tỷ trọng thấp về cả số lượng và diện tích khu công nghiệp được quy hoạch so với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các ngành, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

6 định hướng thúc đẩy

Từ những thực tiễn trên, lãnh đạo TP.HCM đã có những chỉ đạo, để thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp, thứ nhất, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, thứ nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.

TP.HCM cần những hướng đi cụ thể trong phát triển công nghiệp. Ảnh minh hoạ

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 - 2025”, cải tạo nâng cấp phát triển hạ tầng công nghiệp gắn với cải tạo chỉnh trang và chuyển đổi hình thái đô thị.

Thứ ba, triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Phát triển đô thị TP.HCM theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh.

Thứ tư, tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh. Đồng thời, phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch. Đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính. Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, tự động hóa và xanh hóa hoạt động sản xuất, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ sáu, phát triển công nghiệp TP.HCM phải dựa trên 4 trụ cột chính, gồm phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới; sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin.

Có thể bạn quan tâm