Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự đoán, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phục hồi với “tốc độ chậm hơn nhiều” so với suy nghĩ trước đây do các làn sóng Covid-19 lặp lại.
Ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực xuống 3,1% cho năm 2021, từ mức 4,4% dự báo trước đó. ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho tất cả các nền kinh tế Đông Nam Á - ngoại trừ Singapore và Philippines.
Vào năm 2022, ADB dự kiến Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 5%, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó.
“Sự phục hồi của khu vực sẽ tiếp tục bị hạn chế do các trường hợp Covid-19 dẫn đến việc áp dụng lại các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ở một số nền kinh tế”, ngân hàng cho biết trong bản cập nhật cho Triển vọng Phát triển Châu Á 2021.
Các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều đã báo cáo sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 trong những tháng gần đây.
Đông Nam Á đóng vai trò chính trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Các biện pháp cấm vận và các biện pháp giãn cách xã hội trong khu vực đã ảnh hưởng trầm trọng thêm đối với tình trạng thiếu chất bán dẫn và hạn chế nguồn cung cấp hàng hóa như cà phê và quần áo trên toàn cầu.
Tỷ lệ tiêm chủng còn thấp
Trên khắp châu Á, nhiều quốc gia hiện vẫn phải đối mặt với tình trạng tiêm chủng chậm - và điều đó đang kìm hãm sự phục hồi kinh tế, ADB cho biết.
“Nếu bạn nhìn vào châu Á đang phát triển nói chung… khoảng 35% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Con số đó thấp hơn nhiều so với những gì bạn thấy ở Hoa Kỳ và Châu Âu ”, ông Abdul Abiad, giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại ADB, nói với CNBC.
“Quan trọng hơn, nó rất không đồng đều,” ông nói và lưu ý rằng 2/3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ tiêm chủng từ 30% trở xuống.
ABD cho biết khu vực châu Á đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo trước đó là 7,3%. Nhưng ngân hàng đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực này lên 5,4% từ 5,3%.