Bác đề xuất mở rộng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất

Hơn một năm nay, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được chủ đầu tư – CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất đề nghị điều chỉnh nhiều hạng mục liên quan. Tuy nhiên, những đề xuất của chủ đầu tư tới nay vẫn chỉ là... đề xuất.
Bác đề xuất mở rộng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Tháng 6/2019, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (gọi tắt là Hòa Phát) đề nghị điều chỉnh dự án liên hợp gang thép Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (HPDQ) với một số nội dung cơ bản như: Công suất thiết kế (tăng từ 4 triệu tấn/năm lên 9 triệu tấn/năm); Diện tích dự án mở rộng (tăng từ 429,68 ha lên 595,68 ha) gồm 2 khu tại xã Bình Thuận và Bình Đông, huyện Bình Sơn.

Đối chiếu đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN phía Đông Dung Quất (đã được tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1610/QĐ-UBND ngày 29.8.2017), vị trí đề xuất mở rộng dự án gồm 2 khu, trong đó khu 01 được định hướng quy hoạch là đất công nghiệp, khu 02 được định hướng quy hoạch gồm đất công nghiệp, đất tái định cư và đất cây xanh. Do vậy, “việc đề xuất mở rộng dự án tại khu 02 có một phần diện tích là chưa phù hợp với QHCT xây dựng KCN phía Đông Dung Quất được duyệt” – Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi nêu trong văn bản hồi đáp BQL Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi về việc lấy ý kiến thẩm định dự án.

Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định hồ sơ đề xuất đầu tư mở rộng dự án, Sở Xây dựng đề nghị BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (gọi tắt là BQL KKT) một số vấn đề liên quan.

Cụ thể, kiểm tra, rà soát việc nhà đầu tư đề xuất tăng công suất thiết kế (từ 4 triệu tấn/năm lên 9 triệu tấn/năm) phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép và chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 152/TTg-CN ngày 25/1/2017. Trường hợp chưa phù hợp, đề nghị BQL KKT phối hợp Hòa Phát tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện.

Đặc biệt, xác định “dự án là một trong số các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, Sở đề nghị BQL KKT phối hợp UBND huyện Bình Sơn và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định khoảng cách ly vệ sinh môi trường tối thiểu đến khu dân cư và các công trình đảm bảo theo đúng quy chuẩn quy định. Đề xuất giải pháp cụ thể khi chưa đảm bảo khoảng cách ly theo quy chuẩn quy định để có hướng giải quyết trong tương lai đối với các khu dân cư hiện có.

Thậm chí, nhận định trên của Sở Xây dựng tỉnh được nhắc lại trong văn bản (ngày 8.5.2020) gửi BQL KKT về việc điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất đối với khu đất phục vụ dự án mở rộng Khu liên hiệp sản xuất gang thép HPDQ. Đồng thời, Sở nhấn mạnh: Sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư mở rộng dự án, đề nghị BQL KKT bổ sung các nội dung (về khoảng cách ly vệ sinh môi trường, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, giải trình lý do và sự cần thiết của việc điều chỉnh quy hoạch đường giao thông…) cho Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh.

Và tiếp tục chờ

Trong tháng 5/2020, về đề xuất của Hòa Phát tại dự án nêu trên, Sở Xây dựng cũng đã xin ý kiến tham gia của các Sở liên quan cũng như UBND huyện Bình Sơn cùng xã Bình Trị, Bình Đông. Tới tháng 7 vừa qua, sau khi tổng hợp ý kiến từ các đơn vị (riêng Sở TN&MT, UBND các xã chưa có văn bản hồi đáp), Sở Xây dựng trả lời BQL KKT như sau.

Điểm đầu tiên, Công văn 1268/UBND của UBND huyện Bình Sơn không thống nhất (nhiều vấn đề) với đề xuất của BQL KKT. Đồng thời, tại Công văn 854/BQL-QHXD của BQL KKT khẳng định vị trí, ranh giới khu đất đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch không đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh môi trường theo quy chuẩn, quy định.

Tiếp theo, Sở GTVT cũng tham gia góp ý (tại Công văn 1358/SGTVT-QLCL) với nội dung: việc điều chỉnh tuyến đường giao thông 1A – Thượng Hòa sẽ bị ngắt quãng, không đảm bảo chức năng kết nối giao thông khu vực.

Do đó, Sở Xây dựng xác định, chưa đủ cơ sở thống nhất theo đề xuất của BQL KKT về việc trình UBND tỉnh cho phép điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất đối với khu đất phục vụ dự án mở rộng Khu liên hiệp sản xuất gang thép HPDQ.

Đáng chú ý, là ý kiến rất cụ thể từ UBND huyện Bình Sơn về đề nghị điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất (tại Công văn 711/BQL-QHXD ngày 14.5.2020).

Điển hình, đối với phần 10,2ha đề nghị điều chỉnh quy hoạch, BQL nêu: trong quá trình thực hiện dự án mở rộng Khu liên hiệp HPDQ sẽ xác định các công trình có tính chất, loại hình công nghiệp phù hợp với khoảng cách ly vệ sinh môi trường đảm bảo theo quy chuẩn...

Huyện cho rằng, đây là đề xuất chưa hợp lý. Theo quy định, việc bố trí diện tích khu đất, khoảng cách ly VSMT phải được thẩm định nhu cầu sử dụng đất, xác định cụ thể tính chất, loại hình công nghiệp trên cơ sở dự án đề xuất cụ thể, hoàn chỉnh của nhà đầu tư. NĐT phải có hồ sơ dự án đề xuất cụ thể để cấp thẩm quyền xem xét, trả lời trước khi thực hiện việc xem xét điều chỉnh quy hoạch (nếu có).

Hay như đối với khu đất cây xanh (khoảng 3,5 ha). Lý do BQL KKT đề nghị điều chỉnh sang đất công nghiệp là: trong QHCT xây dựng KCN phía Đông Dung Quất, tổng diện tích đất cây xanh – mặt nước khoảng 2.183ha chiếm 37,86% tổng diện tích. Do đó, việc điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến cây xanh trong quy hoạch. Tuy nhiên, huyện Bình Sơn khẳng định: phần diện tích 3,5 ha đất cây xanh tuy nằm trong tổng diện tích khoảng 2.183 ha nhưng chức năng chính của nó là “để cách ly cho cả vùng dân cư, trường học... ở phía Tây tuyến 1A- Thượng Hòa”. Việc điều chỉnh này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh xã Bình Đông.

BQL KK lấy ý kiến cộng đồng dân cư bằng 9 phiếu

Công văn 711/BQL-QHXD của BQL KKT thể hiện, có tổng cộng …9 phiếu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với đồ án điều chỉnh QHCT 1/2000 KCN phía Đông Dung Quất. Ở chiều ngược lại, theo huyện Bình Sơn, việc điều chỉnh này có ảnh hưởng rộng lớn đến cộng đồng dân cư của xã Bình Đông. Theo quy định, phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nên 9 phiếu lấy ý kiến không thể làm đại diện cho cả cộng đồng dân cư bị tác động do điều chỉnh quy hoạch.

Ở diễn biến khác, liên quan tới dự án Cảng chuyên dùng (do Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư), trên cơ sở đề nghị của CĐT về việc xin xuất khẩu sang Singapore khối lượng vật chất nạo vét dư thừa, BQL KKT từng nhận thấy đề xuất này là “hợp lý” vì sẽ không gây ô nhiễm môi trường khu vực biển do nhấn chìm và tận thu được cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tại thời điểm này (tháng 4.2018 – PV), Chính phủ có quy định cấm xuất khẩu cát ra nước ngoài… Dẫu vậy, BQL KKT đã có tham gia ý kiến để UBND tỉnh có văn bản số 1812/UBND-CNXD ngày 5.4.2018 đề xuất Chính phủ 02 phương án xử lý bùn nạo vét. Trong đó, có nội dung đề xuất xuất khẩu sang Singapore (!?)

Có thể bạn quan tâm