Bất động sản “ăn mòn” lợi nhuận Tasco

Kinh doanh bất động sản không hiệu quả cùng với việc thất thu từ thu phí BOT đã khiến doanh thu và lợi nhuận của CTCP Tasco (mã: HUT) “rủ nhau” lao dốc, cổ phiếu duy trì ở mức giá "trà đá".
Bất động sản “ăn mòn” lợi nhuận Tasco

Tại BCTC năm 2018 của công ty ghi nhận khoản doanh thu hợp nhất đạt1.147 tỷ đồng, giảm tới 48% so với năm 2017. Trong khi doanh thu sụt giảm thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng khá mạnh 35% kéo lợi nhuận cả năm 2018 của công ty chỉ đạt hơn 77 tỷ đồng, giảm 75%  so với năm 2017 (305 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong quý IV/2018, Tasco lần đầu tiên ghi nhận khoản lỗ gần 15 tỷ đồng trong khi doanh thu đạt 382 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của Tasco, giảm mạnh nhất là từ lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tasco chuyển sang tập trung nguồn lực vào bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng giao thông (BT).

Công ty này là chủ đầu tư của dự án Foresa Villa, dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án South Building - Pháp Vân, dự án Xuân Phương Residence, dự án nhà ở cho CBVN Bộ Ngoại giao…

Lý giải cho sự sụt giảm này, lãnh đạo Tasco cho biết, do một số dự án bất động sản của công ty đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ pháp lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, năm 2017 Tasco vẫn chưa thực hiện được công tác bán hàng dự án Foresa Mỹ Đình như dự kiến. Mặc dù, Tasco cho biết đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án nhưng thủ tục bị kéo dài so với dự kiến, dẫn đến tiến độ toàn dự án bị chậm.

Qua nhiều quý, công ty đều khẳng định đang tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu vào năm tới. Cụ thể, theo kế hoạch công ty sẽ bàn giao sản phẩm tại các dự án Foresa Villa Xuân Phương, Xuân Phương Residence và South Building Pháp Vân. Phần doanh thu còn lại có thể sẽ được ghi nhận trong các quý tiếp theo của năm 2018 như khẳng định của lãnh đạo công ty này.

Tasco được biết đến như "ông trùm" trong lĩnh vực các dự án BOT, chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí. Tasco sở hữu hàng loạt dự án BOT, BT như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hải Phòng; dự án xây dựng cải tạo nâng cấp quốc lộ 1; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc…

Trong quá khứ, việc đầu tư vào các dự án BOT đã đem lại cho công ty này một khoản lợi nhuận lớn cho Tasco, đỉnh điểm là năm 2016 khi công ty đạt lợi nhuận 406 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thời gian, mô hình kinh doanh BOT đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong quá trình vận hành. Những thông tin kém tích cực liên quan đến việc xây dựng, quản lý, vận hành các dự án BOT liên tục xuất hiện. Kéo theo là hàng loạt vụ “xả” trạm BOT, kiến nghị tạm dừng các dự án BOT khiến đây không còn là mảng kinh doanh giàu tiềm năng.

Trong đó, riêng dự án BOT đoạn từ Cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ đã phải tạm dừng thu phí từ tháng 6/2018, dự án BOT Mỹ Lộc tạm dừng thu phí từ tháng 7/2018. Chính điều này đã khiến doanh thu từ hoạt động thu phí cũng bị giảm theo.

Đi kèm với hoạt động kinh doanh lao dốc, trên sàn chứng khoán cổ phiếu HUT cũng “ảm đạm” khi giảm mạnh từ mức giá gần 12.000 đồng/cp, Tasco hiện đã về mức "trà đá" 3.900 đồng/cp,tương đương mất 70% giá trị.

Đà sụt giảm của giá cổ phiếu khiến một số quỹ ngoại cũng không còn mặn mà khi đồng loạt bán bớt lượng sở hữu tại đây như quỹ Hưng Thịnh VinaWealth và VinaCapital.

 >> Tasco phải tháo dỡ toàn bộ trạm BOT Tân Đệ trước ngày 28/1

Có thể bạn quan tâm