Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong các vũ khí trang bị của Bình Nhưỡng trình diễn lần này là một loại xe tăng chiến đấu mới, khác biệt hoàn toàn so với những thiết kế trước đó, có tháp pháo mới góc cạnh hơn, hệ thống bảo vệ chủ động mới. Một điều hoàn toàn bất ngờ đối với ngành công nghiệp tăng thiết giáp thế giới.
Triều Tiên đã sản xuất xe tăng trong hơn 40 năm, đầu tiên là dòng xe Chonma Ho gần giống với thiết kế T-62 của Liên Xô, nhưng được phát triển nội địa và có những khả năng vượt trội hơn nhiều.
Chonma Ho được nâng cấp từ các công nghệ mới từ thiết kế T-72 của Liên Xô, có tích hợp máy đo xa laser hiện đại, giáp phản ứng nổ tiên tiến và đặc biệt là tên lửa phòng không.
Hệ thống phóng đạn khói, ống dẫn nhiệt cho pháo tăng, váy áo giáp, giáp composite, máy tính đạn đạo và hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp tiên tiến hơn cũng được nâng cấp, động cơ 750 mã lực do chính Triều Tiên sản xuất mới và hệ thống ổn định vượt trội, về công nghệ ngang hàng với những thiết kế thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh.
Xe tăng Chonma Ho
Bộ nâng cấp mới nhất gần đây là kính ngắm quang học và kính ngắm đêm hồng ngoại, hệ thống điều khiển hỏa lực mới, tấm cao su váy giáp mới bằng composite, khung gầm dài hơn, tên lửa phòng không mới, pháo nòng trơn 125mm 2A46 thay thế pháo 115mm nguyên bản), bộ phận hất vỏ đạn đã qua sử dụng và thiết bị nạp đạn tự động. Những cải tiến này làm tăng đáng kể hỏa lực, khả năng sống còn của xe tăng, năng lực giám sát, nhận biết chiến trường và tác chiến của kíp xe.
Mặc dù Chonma Ho phát triển thành xe tăng hiện đại, nhưng không còn xuất hiện trong các cuộc diễu binh của quân đội Triều Tiên, có thể đã bị thay thế bởi Pokpung Ho, một thiết kế xe tăng độc đáo và tiên tiến hơn nhiều.
Những nguyên mẫu ban đầu của xe tăng mới được phát triển từ các công nghệ tăng thiết giáp tiên tiến nhất của Liên Xô mà Triều Tiên có được khi mua một số lượng nhỏ xe tăng T-80 những năm 1980 để nghiên cứu.
Chiếc xe tăng này cũng được tối ưu hóa hơn nữa cho chiến trường địa hình đồi núi và được cải tiến từ các bài học kinh nghiệm trong việc thử nghiệm Chonma Ho trong chiến đấu, khi chiếc tăng này đối đầu với thiết giáp hiện đại của Liên Xô trong Chiến tranh Iran - Iraq.
Pokpung Ho được lắp đặt giáp composite tiên tiến, động cơ công suất đến 1.500 mã lực, có tới hai bệ phóng tên lửa phòng không, hai tổ hợp phóng tên lửa chống tăng ATGM, súng phóng lựu kép, súng máy phòng không hạng nặng KPV, súng máy đồng trục và bốn ống phóng lựu đạn khói. Pháo nòng trơn 2A46 125 mm tương tự như pháo xe tăng chiến đấu T-90 Nga.
Xe tăng Pokpung Ho
Pokpung Ho cũng có khả năng tác chiến đêm bao gồm cảm biến hồng ngoại, thiết bị đo xa laser và đèn rọi. Các giáp phản ứng nổ tiên tiến tăng cường khả năng sống sót.
Hiện có rất ít thông tin về xe tăng mới nhất của Triều Tiên, nhưng việc chiếc tăng mới thay thế xe Pokpung Ho vốn đã rất ghê gớm trong cuộc duyệt binh mới nhất cho thấy thiết kế này thật sự không hề thua các cường quốc xe tăng thế giới.
Xe tăng sử dụng nhiều công nghệ tương tự như những biến thể hiện đại hóa sau này của Pokpung Ho, nhưng được thiết kế trên một khung gầm chắc chắn hơn, có nhiều tiềm năng hơn để nâng cấp bằng những công nghệ tiên tiến trong tương lai.
Nhìn bên ngoài, dường như xe tăng mới được được phát triển với sự ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc hoặc Nga, tương tự như tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23 mới, dù không có bằng chứng nào để xác định điều này.
Theo những tiền lệ của chương trình Pokpung Ho và Chonma Ho, xe tăng mới của Triều Tiên được tối ưu hóa rất nhiều cho chiến tranh đồi núi, đặc điểm địa hình các cuộc chiến trên Bán đảo Triều Tiên và có được ưu thể hơn hẳn so với những xe tăng M1 của Mỹ hoặc K2 của Hàn Quốc, phát triển theo những tiêu chuẩn châu Âu.
Việc xuất hiện xe tăng mới cho thấy rằng, dòng xe tăng này đã được sản xuất dây chuyền, có nghĩa là Pokpung Ho đã dừng sản xuất và có thể sẽ được đưa vào bảo niêm lưu kho giống như Chonma Ho đầu những năm 2000.
Dòng xe tăng hiện đại mới nhất của Triều Tiên, nhìn cấu trúc bên ngoài hơn hẳn xe tăng của nhiều quốc gia trên thế giới