Bộ Giao thông vận tải trả lời kiến nghị đưa Cảng quốc tế Long An thành cảng làm hàng quá cảnh

Cảng quốc tế Long An có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải…

Cảng quốc tế Long An, thuộc khu bến Cần Giuộc

Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 10092/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về Quy hoạch cảng biển.

Trước đó, cử tri tỉnh Long An đã kiến nghị sớm quan tâm, xem xét cập nhật Cảng quốc tế Long An vào danh sách các cảng làm hàng quá cảnh. Sau khi nhận được Công văn số 742/BDN về kiến nghị trên, Bộ giao thông vận tải đã có phản hồi lại.

Cụ thể, các cầu cảng thuộc bến cảng quốc tế Long An đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở tại các Quyết định số 1453/QĐ-CHHVN ngày 30/9/2016, số 1364/QĐ-CHHVN ngày 15/9/2020.

Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật hàng hải Việt Nam, cảng biển có chức năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ tàu thuyền đến, rời cảng; cung cấp phương tiện, thiết bị và nhân lực cần thiết cho tàu thuyền neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách; cung cấp dịch vụ vận chuyển, bốc dỡ, lưu kho bãi và bảo quản hàng hóa trong cảng; đầu mối kết nối hệ thống giao thông ngoài cảng biển.

Tại nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, khu bến Cần Giuộc Cảng biển Long An có phạm vi từ hạ lưu kênh Lộ đến ngã ba sông Cần Giuộc và sông Cần Giuộc.

Khu bến cảng này có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An và vùng phụ cận, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải.

Như vậy, theo quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật về hàng hải, bến cảng quốc tế Long An, thuộc khu bến Cần Giuộc được phép tiếp nhận các tàu biển trong nước và nước ngoài để thực hiện các dịch vụ hàng hóa phù hợp với quy hoạch cảng biển. Điều này đã được phê duyệt và công bố cụ thể đối với bến cảng, không hạn chế về thị trường tiếp cận của hàng hóa (không hạn chế hàng quá cảnh, hàng nội địa hay hàng xuất nhập khẩu).

Tuy nhiên, trường hợp bến cảng quốc tế Long An tiếp nhận tàu biển, phương tiện thủy nội địa của Việt Nam, phương tiện thủy của Campuchia thực hiện các dịch vụ hàng hóa quá cảnh, xuất nhập khẩu... qua Campuchia và ngược lại còn cần phải tuân thủ quy định tại Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy.

Cùng với đó là tuân thủ Thông tư số 13/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy.

Có thể bạn quan tâm