Bộ Tài chính bất ngờ yêu cầu thanh tra HoSE

Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ cuối năm 2020 đến nay song vẫn chưa được xử lý dứt điểm đã khiến nhiều người lo ngại về tính an toàn của hệ thống.

Theo thông tin tối muộn ngày 10/6 của Bộ Tài chính, trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6/2021 quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại TP. HCM", phía Bộ Tài chính cho biết.

Từ cuối năm 2020, giới đầu tư tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE. Một trong những nguyên nhân đẩy câu chuyện này lên cao trào là đề xuất nâng lô cổ phiếu lên 1.000 đơn vị của lãnh đạo HoSE.

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một đề xuất "tồi", bởi việc dựng hàng rào kỹ thuật quá cao như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến đông đảo nhà đầu tư cá nhân, đi ngược lại với chủ trương phổ cập kênh đầu tư chứng khoán tới người dân của Chính phủ (theo Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chiếm 5% tổng dân số quốc gia, trong khi hiện tại, số lượng tài khoản chứng khoán bằng chưa đầy 3% tổng dân số, con số thực tế sử dụng còn thấp hơn nhiều).

Trước đó, giới đầu tư không có nhiều phản đối với phương án nâng lô cổ phiếu từ 10 đơn vị lên 100 đơn vị, bắt đầu áp dụng từ ngày giao dịch đầu tiên của năm 2021. Điều này cũng đã góp phần quan trọng giúp cải thiện ngưỡng thanh khoản.

Để giảm tải hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán, cơ quan quản lý, HoSE và các đơn vị liên quan đã áp dụng nhiều giải pháp khác như: hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao dịch tạm thời sang HNX; HoSE tiếp nhận, xử lý hồ sơ và chấp thuận niêm yết cổ phiếu mới nhưng tạm thời giao dịch trên HNX…., tuy nhiên cho đến nay, các biện pháp này chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt khi khá ít doanh nghiệp niêm yết tham gia.

Đến tháng 4/2021, nhờ một số giải pháp kỹ thuật, ngưỡng chịu tải của HoSE đã được nâng lên và hệ thống giao dịch hoạt động tương đối mượt mà.

Tuy nhiên thời gian gần đây, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22,1 nghìn tỷ đồng/phiên. Đây là con số rất lớn trên HoSE kể từ ngày thành lập và mang tính đột phiên khi so sánh với thời gian gần đây, cụ thể như: tháng 12/2020 - giá trị giao dịch bình quân phiên là 12,7 nghìn tỷ đồng/phiên; từ tháng 1-4/2021 con số này là 16,6 nghìn tỷ đồng/phiên.

Đặc biệt trong phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HoSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay, khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HoSE phải công bố ngừng giao dịch phiên chiều 1/6.

Kể từ đó, nhà đầu tư Việt Nam đối mặt với một tình trạng gây bức xúc và tiềm ẩn rủi ro lớn: nhiều công ty chứng khoán không cho phép sửa, hủy lệnh giao dịch. Điều này gây ra một làn sóng phản ứng tiêu cực rộng lớn trên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường lao dốc.

Giải pháp khả dĩ nhất hiện tại là HoSE hợp tác với FPT để đưa vào vận hành hệ thống giao dịch thay thế, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Còn tương lai vận hành hệ thống giao dịch của Hàn Quốc (KRX) vẫn còn chưa rõ ràng. Hồi đầu năm, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng kỳ vọng rằng hệ thống KRX sẽ được vận hành vào nửa cuối năm nay.

Có thể bạn quan tâm