Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong 20 năm qua thị trường chứng khoán đã luôn đồng hành với những chuyển mình ngày càng lớn mạnh của nền kinh tế và đã trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính và nền kinh tế thị trường.
Trong số hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, nhiều doanh nghiệp đã huy động được nguồn vốn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tạo dựng hình ảnh, uy tín trên thương trường. Chính phủ cũng huy động được nguồn vốn lớn thông qua việc phát hành các loại trái phiếu cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước góp phần tái cấu trúc hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.
Theo ông Dũng, thị trường chứng khoán nước ta đang hướng tới là một thị trường chứng khoán hiện đại với đa dạng các loại sản phẩm dịch vụ ngang tầm với khu vực và thế giới, phấn đấu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Trong thời gian tới là gian đoạn thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu, bền vững và phát huy tối đa vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Với Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2021, việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và hệ thống công nghệ thông tin mới hiện đại là những điều kiện nền tảng đã được chuẩn bị tốt cho một giai đoạn mới phát triển về chất, đa dạng về sản phẩm và trở thành một trong những trung tâm tài chính của khu vực.