Theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội các đối tượng hoạt động thành đường dây rất kín đáo, tang vật được lực lượng công an thu giữ gồm 127.000 sản phẩm thuốc lá điện tử, trị giá khoảng 40 tỷ đồng.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, lực lượng Công an thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện đường dây mua bán thuốc lá điện tử trên địa bàn với số lượng lớn. Cầm đầu đường dây gồm nhiều đối tượng, trong đó có một đối tượng là nữ, sinh năm 1991, trú tại Khu đô thị Vinhomes OceanPark, xã Gia Lâm.
Sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế đã xác lập chuyên án đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ và làm rõ được phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng và xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá.
Kết quả, Phòng Cảnh sát kinh tế đã đồng loạt kiểm tra và bắt giữ hàng chục đối tượng về hành vi buôn bán hàng cấm, tang vật thu giữ 127.000 sản phẩm thuốc lá điện tử, trị giá khoảng 40 tỷ đồng.
Khai nhận với Cơ quan điều tra, các đối tượng liên hệ mua hàng của các đối tượng người Trung Quốc không rõ thông tin, sau đó nhập về Việt Nam thông qua nhiều con đường khác nhau, được vận chuyển về Hà Nội bằng xe tải, cất giấu tại các địa điểm bí mật, sau đó phân phối cho các đối tượng cấp dưới.
Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như Telegram, Viber, Wechat….để trao đổi mua bán, mục đích để xóa dấu vết ngay sau khi giao dịch.
Để thực hiện việc phân phối cho các đối tượng cấp dưới, các đối tượng cầm đầu đăng tải, rao bán trên mạng xã hội (zalo, facebook) thông qua các nhóm kín, tài khoản ảo và sử dụng phương thức thanh toán khó truy vết như thanh toán tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng qua nhiều lớp trung gian….
Về thuốc lá điện tử ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; trong đó có đề cập đến việc cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025. Cụ thể, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi buôn bán mặt hàng này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Trong khi đó, trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì cá nhân, tổ chức có hành vi buôn bán thuốc lá điện tử sẽ có truy cứu về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.