Các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp thay thế đô la Mỹ trong dự trữ ngoại tệ

Đồng đô la Mỹ đã thống trị thương mại toàn cầu và dòng vốn trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng bạc xanh để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ…

Đồng đô la Mỹ từ lâu vẫn đóng một vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu. Sự hiện diện của đồng tiền này trong thương mại toàn cầu, nợ quốc tế và vay phi ngân hàng vẫn vượt xa tỷ trọng thương mại, phát hành trái phiếu và vay và cho vay quốc tế của Mỹ.

Nhưng những năm gần đây, các ngân hàng trung ương toàn cầu đang tiến tới giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại tệ của họ.

Sự thống trị của Đô la Mỹ

Sau Thế chiến thứ nhất, Mỹ nhanh chóng đã trở thành cường quốc tài chính hàng đầu thế giới. Đất nước này chỉ bắt đầu tham chiến vào năm 1917 và đã nhanh chóng nổi lên mạnh mẽ hơn nhiều so với các đối tác châu Âu.

Kết quả là, đồng đô la bắt đầu thay thế đồng bảng Anh với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế. Theo đó, Mỹ cũng trở thành quốc gia nhận được lượng đáng kể dòng vốn vàng từ Thế chiến.

Sau đó, năm 1944, đồng đô la Mỹ đã đạt được vai trò lớn hơn khi 44 quốc gia ký kết Thỏa thuận Bretton Woods, tạo ra một chế độ trao đổi tiền tệ quốc tế tập thể bằng đồng đô la Mỹ. Đồng tiền này sau đó được ấn định bằng giá vàng.

Vào cuối những năm 1960, hàng xuất khẩu của Châu Âu và Nhật Bản cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với hàng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, đô la Mỹ có nguồn cung rộng rãi toàn thế giới, khiến việc định giá đô la Mỹ bằng vàng trở nên khó khăn. Tổng thống Nixon đã chấm dứt khả năng chuyển đổi trực tiếp của đô la Mỹ sang vàng vào năm 1971. Điều này đã chấm dứt cả chế độ bản vị vàng và giới hạn về số lượng tiền tệ có thể được in.

Mặc dù vẫn là đồng tiền dự trữ thống trị toàn thế giới nhưng kể từ đó, đồng đô la Mỹ ngày càng mất đi sức mua. Phi đô la hóa trở thành một xu thế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Biểu đồ dưới đây liệt kê sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế chiếm ưu thế cũng như những nỗ lực gần đây của nhiều quốc gia nhằm phi đô la hóa và giảm sự phụ thuộc của họ vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

Đô la Mỹ: Thống trị và phi hóa

Lo ngại về sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng 'vũ khí hóa' tiền tệ của nước này, các quốc gia khác đã thử nghiệm các giải pháp thay thế để giảm bớt tính ưu thế của đồng đô la.

Trong những tháng gần đây, Brazil và Argentina đã thảo luận về việc tạo ra một đồng tiền chung cho hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. Trong khi đó, tại một hội nghị ở Singapore vào tháng 1, nhiều cựu quan chức Đông Nam Á đã nói về những nỗ lực phi đô la hóa đang được tiến hành tại quốc gia của họ.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ đang đàm phán để sử dụng đồng rupee để giao dịch các mặt hàng phi dầu mỏ nhằm tránh xa sức ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ. Lần đầu tiên sau 48 năm, Ả Rập Xê Út cho biết quốc gia giàu dầu mỏ này sẵn sàng giao dịch bằng các loại tiền tệ ngoài đồng đô la Mỹ.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng đã mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1967 khi các quốc gia chuyển sang đa dạng hóa dự trữ của họ ngoài đồng đô la Mỹ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, trong hai thập kỷ qua, đồng đô la Mỹ đã mất 12 điểm phần trăm thị phần, giảm từ 71% xuống 59%.

Bất chấp những diễn biến này, ít người nghĩ rằng sự thống trị của đô la Mỹ đang đi đến hồi kết. Hiện tại, các ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ khoảng 60% dự trữ ngoại hối bằng đồng đô la.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy đồng nhân tệ trở thành đồng tiền dự trữ cạnh tranh với đô la Mỹ. Mặc dù còn rất lâu cho đến khi đồng bạc xanh mất đi vị thế của mình trên phạm vi toàn cầu, nhưng hiện tại, nhân dân tệ của Trung Quốc đã thay thế đô la Mỹ trở thành tiền tệ được giao dịch nhiều nhất ở nước Nga.

Nhân dân tệ thay thế đô la Mỹ trên đất Nga

Khi Mỹ và các quốc gia phương Tây khác áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đất nước này cũng Trung Quốc đã hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và thiết lập sự hợp tác giữa các hệ thống tài chính của họ.

Kể từ đó, giao dịch đồng rúp - nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần. Theo hãng thông tấn Nga Vedomosti, Nga và Iran cũng đang hợp tác để tung ra một loại tiền điện tử được bảo đảm bằng vàng.

Đến đầu năm 2023, một năm sau khi cuộc xung đột với Ukraine dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã thay thế đô la Mỹ trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất ở quốc gia này.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp dựa trên báo cáo giao dịch hàng ngày từ Sàn giao dịch Moscow, lần đầu tiên đồng nhân dân tệ vượt qua đồng đô la Mỹ về khối lượng giao dịch hàng tháng vào tháng 2 và sự khác biệt này trở nên rõ rệt hơn vào tháng 3.

Nhân dân tệ thay thế đô la Mỹ thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất tại Nga vào tháng 2/2023
Nhân dân tệ thay thế đô la Mỹ thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất tại Nga vào tháng 2/2023

Sự chuyển đổi này xảy ra do các biện pháp trừng phạt bổ sung trong năm nay ảnh hưởng đến một số ngân hàng ở Nga trong việc duy trì khả năng thực hiện chuyển khoản xuyên biên giới bằng đô la và các loại tiền tệ của các quốc gia mà chính quyền Nga coi là “không thân thiện”. Raiffeisen Bank International AG, một ngân hàng có chi nhánh ở Nga và cũng là một trong những kênh thanh toán quốc tế chính ở nước này, nằm trong số những tổ chức tài chính đang phải chịu áp lực ngày càng cao từ chính quyền châu Âu và Mỹ.

Do đó, kể từ khi cuộc xung đột dẫn đến rạn nứt trong quan hệ với phương Tây, Nga đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Vào tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới thủ đô Moskva của Nga sau khi tái đắc cử và hứa hẹn với sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng, năng lượng và công nghệ cao với đất nước này.

Các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào hệ thống tài chính của Nga đã buộc chính quyền và các công ty của nước này phải chuyển các giao dịch ngoại thương của họ từ đồng đô la và đồng euro sang các loại tiền tệ của những nước "thân thiện".

Bộ Tài chính Nga đã chuyển đổi hoạt động thị trường sang đồng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ vào đầu năm nay và phát triển một cấu trúc mới cho quỹ tài sản quốc gia để nắm giữ 60% tài sản bằng đồng nhân dân tệ. Ngân hàng Nga thường xuyên kêu gọi các công ty và người dân chuyển tài sản của họ sang đồng rúp hoặc các loại tiền tệ “thân thiện” hơn để tránh nguy cơ bị phong tỏa hoặc đóng băng.

Bất chấp tất cả những điều đó, đồng đô la vẫn là đồng tiền phổ biến nhất trên thị trường Nga hiện giờ, và chênh lệch về khối lượng giao dịch của đồng bạc xanh với nhân dân tệ là không cao.

Đồng thời, mặc dù đồng nhân dân tệ đã phổ biến hơn ở Nga, nhưng các biện pháp kiểm soát tài khoản vốn của Trung Quốc cũng như những lo ngại về địa chính trị của các nhà đầu tư toàn cầu vẫn là một rào cản khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách thúc đẩy việc gia tăng đồng tiền này trong dự trữ ngoại tệ của các quốc gia khác. Dữ liệu của IMF cho thấy phân bổ dự trữ ngoại hối toàn cầu bằng đồng nhân dân tệ chiếm khoảng 2,7% trên tổng số tiền vào cuối năm ngoái, giảm so với mức đỉnh 2,9% trong quý đầu tiên.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…