Các quỹ ngoại trao tay hơn 16 triệu cổ phiếu VPB

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 16,5 triệu cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vào ngày 3/4 giữa các quỹ
Các quỹ ngoại trao tay hơn 16 triệu cổ phiếu VPB

Bên chuyển nhượng toàn bộ lượng cổ phần trên là JPMorgan Vietnam Opportunities Fund còn bên nhận chuyển nhượng gồm WF Asian Smaller Companies Fund Limited (11,25 triệu cổ phiếu) và Arjuna Fund Pte. Ltd (5,25 triệu cổ phiếu).

Giao dịch trên VSD không giới hạn về biên độ. Tuy nhiên, nếu tạm tính theo giá đóng cửa của VPB ngày 3/4 là 19.950 đồng/cp thì giá trị của thương vụ này vào khoảng 330 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ HoSE, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại VPB tối đa là 23% (khoảng 570 triệu cổ phiếu) và luôn kín room.

Trong năm 2018, VPBank cũng gây ồn ào với thương vụ chuyển nhượng 7 triệu cổ phiếu VPB củatừ 7 quỹ ngoại khác nhau sang cho quỹ ngoại Composite Capital Master Fund LP.

Việc "trao tay" lượng lớn cổ phiếu VPB qua trung tâm lưu ký chứng khoán không phải là hiếm. Hồi giữa năm 2018 ông Nguyễn Mạnh Cường, đã nhận chuyển quyền sở hữu gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB từ Công ty TNHH Quản lý đầu tư Tín Tâm; ông Trần Quốc Anh Thuyên, cũng là một nhà đầu tư cá nhân, đã nhận chuyển quyền sở hữu hơn 22,7 triệu cổ phiếu VPB…

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu VPB biến động khá mạnh, hiện đang giao dịch tại mức giá 20.000 đồng/cp. Nếu so với mức đỉnh 42.200 đồng/cp đạt được hồi tháng 4/2018 thì VPB đã mất tới gần 53% trong vòng 1 năm.

Đà giảm này của cổ phiếu VPB đã gây nhiều “đau thương” cho nhiều quỹ đầu tư điển hình mới đây nhất CTCK Hestia đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với khoản lỗ lên tới 46 tỷ đồng, kéo theo lỗ lũy kế từ khi thành lập tới lên mức 32,5 tỷ đồng. Việc Hestia thua lỗ lớn trong năm qua chủ yếu do lỗ từ hoạt động đầu tư chứng khoán.

Theo báo cáo tài chính được công bố, Hestia ghi nhận 38,5 tỷ đồng lãi từ kinh doanh chứng khoán, nhưng lỗ từ kinh doanh chứng khoán lên tới 75,3 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động tự doanh chứng khoán đã khiến Hestia lỗ ròng gần 37 tỷ đồng.

Năm qua, Hestia cùng với quỹ "anh em" là Passion Investmen (PIF) đã có giai đoạn đầu tư gần như "tất tay" vào cổ phiếu VPBank (VPB). Tuy vậy, diễn biến kém tích cực của VPB đã khiến hiệu quả hoạt động của Hestia không như mong đợi.

Cũng theo báo cáo, có thời điểm trong năm 2018, Hestia nắm giữ 4,38 triệu cổ phiếu VPB và đã tiến hành "lăn chốt" chia thưởng cổ phiếu trong tháng 6. Tuy vậy, có thể những diễn biến không tích cực của VPB đã khiến Hestia bán ra và đến cuối năm 2018, công ty chỉ còn nắm giữ vỏn vẹn 5 cổ phiếu VPB.

Mới đây, VPBank cũng đã công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 với tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất là hơn 7.355 tỷ đồng.

Theo đó, ngân hàng sẽ dùng hơn 3.900 tỷ đồng để trích lập các quỹ, bao gồm trích gần 368 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích hơn 735 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính và trích 2.821 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển.

Toàn bộ số tiền 3.431 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 sau khi trích quỹ sẽ được giữ lại nhằm bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng. VPBank cho biết, 86% tổng số phiếu biểu quyết đã tán thành nội dung trên, 14% không tán thành.

Như vậy, với phương án này, cổ đông của ngân hàng có thể không có cổ tức, hoặc sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu chứ không thể nhận cổ tức bằng tiền mặt. Trong khi năm trước đó, ngân hàng đã chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tới tỷ lệ gần 62%.

>> Vợ Phó TGĐ VPBank bị phạt 40 triệu đồng

Có thể bạn quan tâm